Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013: Ưu tiên các dự án Luật cấp bách

20/04/2012
Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong năm 2012 vì đây là dự án Luật quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội và có nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Theo đó, dự án Luật Đất đai thay vì cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sẽ lùi sang kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6. Chiều qua 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013.

Đề nghị bổ sung Dự án Luật Biển

Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và điều chỉnh chương trình năm 2012 và khóa XIII của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: tính đến ngày 17/4/2012, trong tổng số 30 dự án thuộc Chương trình chính thức năm 2012 thì Chính phủ đã trình Quốc hội 13 dự án, 7 dự án Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến; còn 10 dự án sẽ được trình UBTVQH trong quý III/2012. “Với kết quả này, việc hoàn thành chương trình năm 2012 của Chính phủ là khả thi” - Thứ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Về điều chỉnh chương trình năm 2012, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Việc làm, Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Thẩm tra việc điều chỉnh Chương trình, Ủy ban Pháp luật đồng tình với đề nghị của Chính phủ bổ sung 2 Luật nói trên vào Chương trình 2012.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và dự án Luật Đô thị, Luật Đất đai sửa đổi.

Ủy ban Pháp luật tán thành lùi dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và dự án Luật Đô thị. Riêng với Luật Đất đai sửa đổi, Ủy ban cho rằng trường hợp cần có thêm thời gian để bảo đảm chất lượng thì có thể lùi thời hạn. Nếu có nội dung cần sửa đổi Hiến pháp thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thời gian tiếp theo. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung dự án Luật Biển Việt Nam vào Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3.

Chưa đủ điều kiện thì phải để lại

 Đối với Chương trình xây dựng, luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, Ủy ban Pháp luật đề nghị 37 dự án luật và 3 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức, 27 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh trong Chương trình chuẩn bị.

Góp ý vào vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiên quyết: “chưa đủ điều kiện thì phải để lại chứ không được nói nước đôi”. Chủ tịch cũng cho rằng, Chương trình chuẩn bị hơi nhiều và không bằng lòng với tình trạng “đưa vào rút ra” và cho rằng “phải tỏ thái độ nghiêm túc về vấn đề này”.

Nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng vì theo họ, tình trạng một số dự án luật phải “chạy” thời gian” đã dẫn đến tình trạng kém chất lượng cần phải khắc phục ngay.

Thu Hằng

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định đưa vào Chương trình năm 2012 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) dự án Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua vào cuối năm 2013. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa dự án này vào Chương trình tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).