Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Ngân sách nên ưu tiên cho những vùng khó khăn

19/04/2012
Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư... đó là nhận định của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Diện mạo nông thôn được cải thiện

Về những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu cho biết: Việc huy động vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được cải thiện. Giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ; Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên đầu tư và ngày càng hoàn thiện tác động tích cực vào phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn; Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao… tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân;

Tuy nhiên, qua giám sát, việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nhiều hạn chế. Đó là nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với yêu cầu; Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế; Vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; Xoá đói giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự nông thôn; Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn rất khó khăn….

Khắc phục ngay tình trạng “chương trình chồng lên chương trình”

Trong 12 kiến nghị của Đoàn giám sát, đáng lưu ý là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề nghị phân bổ vốn NSNN tập trung, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương; đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn; các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Có chung nhận định nội dung giám sát rộng lớn nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đoàn giám sát đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển vẫn ”chưa thấy thỏa mãn”. Theo ông Hiển, việc giám sát phải trả lời cho được 4 câu hỏi đặt ra, đó là: hệ thống chính sách có gì bất cập, có gì cản trở sự phát triển, chính sách nào chưa phù hợp, trách nhiệm thuộc về ai? Vì sao đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn (hơn 49%) mà kết quả đem lại chưa tương xứng? Tại sao đầu tư trung, dài hạn và đầu tư của các Doanh nghiệp (cả trong nước và nước ngoài) đều không mặn mà lĩnh vực này, lý do? Và cuối cùng là chính sách đầu tư công góp phần như thế nào vào củng cố sản xuất ở nông thôn?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết nhiều địa phương phản ánh, chương trình chồng lên chương trình. Có khi người dân cần cái nọ nhưng lại cho cái kia. Theo ông Dũng kiến nghị phải làm sâu sắc hơn, đặc biệt liên quan đến vấn đề đất đai ở nông thôn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước chung nhận định, đồng thời chỉ rõ thêm: hạn chế lớn nhất ở nhiều địa phương hiện nay là tư tưởng chờ đợi sự hỗ trợ từ ngân sách TW, “vấn đề là phải huy động sức dân mà không chỉ trông chờ NSNN”. Ông K’So Phước đề nghị “phải thường xuyên kiểm tra giám sát đầu tư công trong lĩnh vực này, đồng thời công khai các kết quả đạt được giống như các chương tình xóa đói giảm nghèo”.

Còn chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại rất trăn trở với các chính sách dành cho người nghèo. Bà chỉ rõ, người nghèo phần lớn sống ở nông thôn, dù đã có nhiều chính sách cho đối tượng này nhưng giảm nghèo vẫn chưa bền vững, tỷ lệ các hộ cận nghèo lên nghèo hiện còn rất lớn. “Cần đánh giá sâu sắc hơn về chính sách giảm nghèo” - bà Mai kiến nghị.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đánh giá thêm về năng lực của bộ máy chính quyền cơ sở vì “chính sách dù tốt đến mấy nhưng thực hiện không tốt thì cũng bằng không”.

Thu Hằng

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo (năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 9,45%, giảm 12% so với 2006). Người nghèo đã được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống. Việc đảm bảo an ninh tại địa bàn nông thôn đã được quan tâm, tuyên truyền giáo dục pháp luật được tăng cường và đạt kết quả khá tốt, góp phần quan trọng trong việc ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.