Đề xuất bỏ pháp y Công an cấp tỉnh: Công an lo Y tế làm “lỡ” việc phá án

17/04/2012
Cho ý kiến vào dự án Luật Giám định Tư pháp (GĐTP), nhiều ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành giải thể pháp y Công an cấp tỉnh, tập trung cho pháp y thuộc ngành Y tế. Nếu phương án này được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo một đầu mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về mọi mặt để xây dựng tổ chức giám định pháp y chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao.

Giám định pháp y: Thống nhất, manh mún

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật GĐTP. Sau kỳ họp này, tại phiên họp thứ 5 (tháng 1/2012), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật nêu trên. Một trong những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi đó là về mô hình tổ chức GĐTP về pháp y cấp tỉnh.

Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc quyết định vấn đề mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế tiến hành khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động giám định pháp y tại một số tỉnh và lấy ý kiến các cơ quan chức năng địa phương trong cả nước. Kết quả khảo sát và tổng hợp ý kiến của các địa phương cho thấy, tổ chức giám định pháp y hiện nay đang trong tình trạng thiếu thống nhất, manh mún.

“Thực trạng trên tạo ra sự cản trở cho việc tập trung đầu tư phát triển theo hướng chuyên trách, chính quy, hiện đại, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác giám định pháp y. Vì vậy, hầu hết các ý kiến địa phương được khảo sát đều thống nhất cho rằng, cần tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào một đầu mối” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chỉ rõ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội cũng như qua khảo sát cho thấy, trong bối cảnh các tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh thuộc ngành Y tế chậm được kiện toàn như hiện nay thì trong thời gian trước mắt, vẫn chưa thể đảm đương được toàn bộ nhiệm vụ giám định pháp y. Do đó, mặc dù việc tập trung đầu mối về giám định pháp y ở cấp tỉnh là chủ trương đúng đắn, nhưng vẫn cần có lộ trình thực hiện thích hợp, trên cơ sở cân nhắc kỹ tình hình thực tế của từng địa phương.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, ở cấp tỉnh, sẽ không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế. Phương án thứ hai căn cứ vào nhu cầu thực tế và điều kiện thực tế của địa phương, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.

Muốn chuyên nghiệp, phải giao về một mối

Tập trung thảo luận về vấn đề có nên bỏ pháp y Công an tỉnh, nhiều Ủy viên Thường vụ Quốc hội ủng hộ phương án Chính phủ trình, giao về một mối để đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực để hoạt động giám định pháp y ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

“Qua khảo sát thì thấy rằng, mô hình tổ chức giám định pháp y không thống nhất, nơi có nơi không, hoặc nếu có làm thì một phần nhỏ chủ yếu giám định pháp y tử thi, còn thương tật, AND thì gửi về Bộ Công an, hoặc ngành Y tế. Vì thế ta nên giao về ngành Y tế, nhưng ngành Y tế phải đổi mới kể cả mô hình tổ chức, phải có quy chế hoạt động, làm rõ mối quan hệ với các cơ quan tố tụng…” - Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đồng tình: Tập trung vào một đầu mối là đúng nhưng cần có lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì lại cho rằng, trong bối cảnh hiện tại nên vẫn giữ lực lượng pháp y trong Công an cấp tỉnh.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương vẫn giữ quan điểm của ngành Công an, giữ nguyên tổ chức như hiện nay để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm vì theo ông Vương, nếu cứ phải “chờ” ngành Y tế, nhiều vụ Công an sẽ không thể phá án kịp thời.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chỉ rõ: mô hình như hiện tại rất phân tán (vì mỗi tỉnh chỉ có từ 1-2 người, nhiều tỉnh còn chưa có bộ phận giám định pháp y trong Công an tỉnh). Hơn nữa quy trình giám định tử thi hiện nay về lâu dài cũng không ổn (vì phải mổ ngay tại hiện trường gây phản cảm).

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: nếu giao nhiệm vụ này, ngành Y tế hoàn toàn có thể đảm đương được.

Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, quyết định trên cơ sở cân nhắc hết sức thận trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, vẫn trình ra Quốc hội cả hai phương án, nhưng có báo cáo giải trình cụ thể từng phương án một để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự kiến, Dự án Luật GĐTP sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII khai mạc tháng 5 tới đây.

Thu Hằng

Theo Dự thảo Luật, đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính và đương sự trong trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng với vụ án hình sự đều có quyền yêu cầu GĐTP. Đây là quy định mở rộng hơn phạm vi quyền yêu cầu GĐTP của đương sự so với Pháp lệnh hiện hành và so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.