Được sử dụng trong áp dụng và thi hành pháp luật
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung lý cho biết, có 4 vấn đề quan trọng mà Ủy ban xin ý kiến UBTVQH.
Đáng chú ý là vấn đề sử dụng văn bản hợp nhất, theo Ủy ban Pháp luật, hiện nay, nước ta đang trong quá trình hoàn thiện về thể chế và hệ thống pháp luật nên việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật diễn ra khá thường xuyên; không ít văn bản được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, tại nhiều văn bản khác nhau, thêm vào đó là hình thức một luật sửa nhiều luật đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, tra cứu, thi hành và áp dụng pháp luật.
Trước tình hình đó, nhu cầu về một văn bản hợp nhất có giá trị chính thức là hết sức cấp thiết. Để bảo đảm độ tin cậy, giá trị sử dụng của văn bản hợp nhất cũng như ý nghĩa và mục đích thiết thực của việc hợp nhất văn bản, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng và thực hiện thống nhất pháp luật thì trong Pháp lệnh này cần khẳng định giá trị pháp lý của văn bản hợp nhất. Tuy nhiên, cũng không nên quy định văn bản hợp nhất có giá trị như văn bản gốc vì sự khác nhau giữa trình tự ban hành văn bản và trình tự hợp nhất, văn bản hợp nhất không thay thế văn bản gốc do các cơ quan có thẩm quyền ban hành trước đó.
Với tinh thần đó, dự thảo Pháp lệnh đã được chỉnh lý theo hướng quy định Văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong việc áp dụng và thi hành pháp luật. Trong trường hợp do sai sót về kỹ thuật dẫn đến nội dung văn bản hợp nhất khác với nội dung của văn bản được hợp nhất thì áp dụng các quy định của văn bản được hợp nhất.
Theo dự thảo, Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/6/2012, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cần lùi thời gian để làm công tác chuẩn bị. Các ủy viên thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất này.
Với 100% biểu quyết tán thành, Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật đã được thông qua. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/7/2012.
Người nước ngoài có được gia nhập công đoàn?
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật cho biết hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài;
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật; trong trường hợp cần thiết thì giao Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
Tuy nhiên, theo Ủy ban pháp luật, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của giai cấp công nhân và người lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì hiện nay có hàng chục ngàn lao động nước ngoài là chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc tại các doanh nghiệp của Việt Nam. Trong thực tế, quan hệ giữa lao động là người nước ngoài với người sử dụng lao động đã có phát sinh mâu thuẫn. Trong những trường hợp như vậy, nếu họ được tham gia công đoàn thì sẽ thuận lợi hơn để yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Để phúc đáp yêu cầu thực tế, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, thì dự thảo Luật cần có quy định quyền gia nhập công đoàn của lao động là người nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển ủng hộ phương án cho người nước ngoài gia nhập công đoàn Việt Nam, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại không đồng ý với phương án này. Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc cẩn trọng vấn đề nêu trên.
Thu Hằng