Hôm qua (12/3), tại phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTP TƯ) dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng BCĐ, các thành viên BCĐ đã thảo luận và cho ý kiến đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến BCĐ trong hai đề án “Nghiên cứu việc chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố” và đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam” do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) xây dựng.
Về hai đề án này, Thường trực BCĐ nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng đề án và cho rằng, đề án đã thể hiện được tính mục đích và định hướng của việc nghiên cứu là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm kiến nghị lựa chọn mô hình VKS/Viện công tố phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Do vậy, Thường trực BCĐ cũng cơ bản đồng ý với kiến nghị của Ban Cán sự đảng VKSNDTC về việc cần tiếp tục duy trì mô hình VKS như hiện nay nhưng thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của VKS trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra. Nhiều thành viên BCĐ nhất trí với đề nghị giữ nguyên hai chức năng của VKS như hiện nay và chưa nên chuyển VKS thành Viện Công tố.
Sau khi nghe phân tích, đánh giá khách quan những ưu điểm, hạn chế của mô hình tố tụng hình sự Việt Nam (mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn) và mô hình tố tụng hình sự tranh tụng; xu hướng giao thoa, tiếp nhận các yếu tố tích cực; tiến bộ giữa các mô hình tố tụng hình sự của các nước trên thế giới; xác định mô hình tố tụng hình sự hợp lý trong điều kiện Việt Nam, Thường trực BCĐ cũng tán thành với đề nghị của Ban cán sự đảng VKSNDTC là tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm vốn có của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, tiếp thu chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng hình sự tranh tụng nhằm tăng cường chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý.
BCĐ cũng được nghe một số ý kiến bước đầu của Thường trực BCĐ về kết quả tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của TAND và VKSND.
Trên cơ sở những ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng ý với đề nghị của Ban cán sự đảng VKSNDTC là phải tiếp tục duy trì mô bình VKSND như hiện nay, đồng thời, yêu cầu VKSND trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới cho phù hợp với các yêu cầu CCTP trong Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược CCTP đến năm 2020 và các văn kiện của Đảng.
Chủ tịch nước cũng cho rằng cần tiếp tục duy trì, phát huy những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn, đồng thời tiếp thu có chọn lọc một số hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng nhằm tăng cường chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý. Do vậy, Ban cán sự đảng TANDTC, VKSNDTC cần đề xuất, kiến nghị với BCĐ CCTP TƯ về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 với trọng tâm là các nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước; việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; việc tổ chức hoạt động của TAND, VKSND và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động tư pháp.../.
H.Giang