Nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL của HĐND, UBND: Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy 

12/01/2012
“Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước khi ban hành phải có thẩm tra của các ban của Hội đồng, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của UBND nhất thiết phải có thẩm tra của cơ quan Tư pháp” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL của HĐND, UBND hôm qua 11/01.

Văn bản gây khó cho dân

Trước khi Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 được ban hành, quy trình ban hành VBQPPL của HĐND và UBND ở các địa phương chưa được điều chỉnh một cách thống nhất bằng Luật. Mỗi địa phương tự xây dựng cho mình một trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL, do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng văn bản.

Sau khi Luật Ban hành VBQPPL ra đời, các địa phương đã chú trọng triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc; chất lượng văn bản QPPL được nâng lên. Công tác thẩm định dự thảo VBQPPL ngày càng được chú trọng và đi vào nền nếp. Đối với cấp tỉnh, hầu hết dự thảo VB trước khi trình UBND đều được Sở Tư pháp thẩm định.

Mặc dù thừa nhận ”công tác ban hành VBQPPL ở địa phương có những chuyển biến thực sự tuy nhiên theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Đoàn giám sát thì chất lượng VBQPPL của HĐND, UBND còn những hạn chế. Một số địa phương ban hành văn bản có nội dung trái với quy định, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, xây dựng... còn nhiều sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Việc ban hành VBQPPL của HĐND và UBND các cấp có lúc, có nơi chưa kịp thời. Một số vấn đề mang tính nổi cộm, bức xúc nhưng chưa có văn bản điều chỉnh, chẳng hạn như việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, quy hoạch khu dân cư ở nông thôn; tính khả thi và sự phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương chưa cao, chưa bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Một số văn bản có các quy định thuận lợi cho cơ quan nhà nước nhưng lại gây khó khăn cho người dân.

Về hình thức VB, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ: ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng VB được ban hành không đúng hình thức.

Phải hạn chế VB trái pháp luật

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác VB, Đoàn giám sát kiến nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng kết về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, xác định rõ cấp nào có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, thu gọn thẩm quyền ban hành, giảm bớt số lượng văn bản để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của loại văn bản này.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL 2004;  có biện pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản QPPL ở địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tham gia công tác xây dựng văn bản QPPL của địa phương; quy định, hướng dẫn việc phân bổ kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng văn bản QPPL trên cơ sở xác định nhiệm vụ chi cho xây dựng văn bản QPPL là chi cho hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, không phải là “kinh phí hỗ trợ” như hiện nay.

Tại phiên họp, cơ bản các ý kiến của ủy viên UBTVQH nhất trí với báo cáo giám sát cũng như kiến nghị mà Đoàn giám sát đã nêu. Sau giám sát, UBTVQH cũng đã dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL của HĐND,UBND. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh một trong những yêu cầu của Nghị quyết là làm sao hạn chế được VB ban hành trái pháp luật, kiểm soát được tình trạng ban hành VB không đúng và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Thu Hằng

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản QPPL còn  thiếu và yếu, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, xa; ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các ban của HĐND chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản QPPL, còn nhiều cơ quan bố trí cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm. Ở cấp xã chỉ được bố trí 1 biên chế làm công tác tư pháp - hộ tịch nhưng trên thực tế lại phải thực hiện hơn 10 nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ xây dựng văn bản. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng văn bản QPPL còn hạn chế, thường xuyên phải thay đổi. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích nhằm thu hút người có năng lực làm công tác này.

(Trích báo cáo giám sát)