Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020: “Định lượng” nhiều hơn để dễ thuyết phục xã hội

29/12/2011
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020: “Định lượng” nhiều hơn để dễ thuyết phục xã hội
Tại hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC)  trong 2 ngày 28-29/12 tại Hòa Bình do Bộ Nội vụ tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án CCHC của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), ông Đinh Duy Hòa (Vụ trưởng Vụ CCHC – Bộ Nội vụ) nhấn mạnh, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được “định lượng” nhiều hơn để phấn đấu thực hiện, theo dõi, đánh giá và dễ thuyết phục xã hội, người dân, DN về CCHC.

Dù vẫn tập trung vào 6 lĩnh vực: thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, cải cách tài chính, hiện đại hóa hành chính, nhưng so với CCHC giai đoạn trước, chương trình giai đoạn này xác định 3 trọng tâm là thể chế, con người và chất lượng dịch vụ công. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 với mục tiêu rất lớn, lồng ghép nội dung của nhiều hoạt động cải cách lập pháp, kinh tế, tư pháp…, xác định đến năm 2020 sẽ xong về cơ bản hệ thống thể chế, trên 80% cá nhân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, dịch vụ y tế công, giáo dục công và 100% cơ quan hành chính có cơ cấu công chức theo vị trí việc làm, cán bộ, công chức đủ năng lực, trình độ.

Trong Chương trình CCHC giai đoạn này, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện Đề án “Xác định vai trò, tiêu chí của hệ thống pháp luật về quản lý hành chính của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường XHCN theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, hiệu quả, gần dân và thúc đẩy sự phát triển”.

H.Giang