Xây dựng và phát triển các Khu kinh tế, Khu kinh tế cửa khẩu: Cần có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược

16/12/2011
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế (KKT), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) tại UBTV Quốc hội hôm qua 15.12, Đoàn giám sát kiến nghị: Chính phủ tạm dừng việc ra quyết định thành lập mới, tiến hành tổng kết, đánh giá các KKT, KKTCK đã được thành lập.
 

Làm rõ hiệu quả các KKT

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Đoàn đã làm việc với 22 cơ quan, đơn vị, tổ chức hội thảo nghe ý kiến các chuyên gia kinh tế, một số đại biểu Quốc hội, nhà quản lý ở TW và địa phương. Kết quả cho thấy: đến nay cả nước có 18 KKT được quy hoạch với tổng diện tích mặt đất và mặt nước 730.553 ha. Đến hết năm 2010, tổng nguồn vốn ngân sách TW hỗ trợ xây dựng  hạ tầng KKT là hơn 11 ngàn tỷ đồng, bố trí kế hoạch năm 2011 là 1885 tỷ đồng. Cả nước hiện có 21 tỉnh trên tổng số 25 tỉnh biên giới đất liền đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 28 KKTCK. Từ 2004-2010 tổng nguồn vốn ngân sách TW hỗ trợ hạ tầng là trên 3200 tỷ. năm 2011 là 700 tỷ đồng. Các KKTCK đã thu hút khoảng 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu USD và khoảng 500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 40 ngàn tỷ đồng.

Quan tâm đặc biệt đến kết quả giám sát nói trên, nhiều ủy viên UBTV đặt câu hỏi về nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm, ví dụ vấn đề đảm bảo môi trường, an ninh quốc phòng, an ninh trật tự, nhất là những vấn đề về đất đai khu vực biên giới.

Lãnh đạo các Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngoại giao và Đoàn Giám sát đã trả lời các câu hỏi liên quan, trong đó về cơ bản các KKT, KKTCK không phát hiện vi phạm gì về đất đai, tình hình ANTT ổn định. Dù vậy, các KKT, KKTCK vẫn chưa nhận được nhiều chính sách ưu đãi, và thực tế cũng chưa dám “xé rào”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển chưa bằng lòng: Hiện nay quỹ đất dành cho các KKT rất lớn, nhưng diện tích dành cho dịch vụ, du lịch (cái lõi của sự phát triển) lại quá nhỏ. Ông Hiển cũng làm phép so sánh: kể cả tiền ngân sách nhà nước đầu tư cho KKT và tiền đầu tư của các nhà đầu tư là rất lớn nhưng thu về không đáng là bao. “Cần đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của các KKT, KKTCK từ đó mới đề xuất chính sách”. Ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu chia sẻ hơn: Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề về công nghệ vì đó là khâu quyết định về phát triển KKT cũng như đảm bảo môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bổ sung: cần làm rõ trách nhiệm của những yếu kém. Giám sát là phải chỉ rõ những cái đó, tại hành lang pháp luật hay quá trình thực thi? Còn Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đề xuất cần có thêm những giải pháp đảm bảo an ninh khu vực biên giới để hạn chế tình trạng buôn lậu, mua bán phụ nữ, trẻ em….

Ưu đãi là cần thiết

Quá trình giám sát, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những hạn chế: Đối với KKT nổi bật là cơ chế chính sách phát triển cơ bản giống nhau nên không phát huy được thế mạnh mang tính đặc thù, không có tính đột phá bởi những quy định mang tính định khung của pháp luật. Thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư còn rườm rà, mất thời gian. Tương tự, đối với các KKTCK việc huy động các nguồn đầu tư gặp nhiều khó khăn, chủ yếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ có mục tiêu của nhà nước để phát triển hạ tầng, nhiều công trình nợ đọng, dở dang vì nhiều địa phương không có khả năng tự cân đối ngân sách.

Trong nhiều kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền có việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến ưu đãi về thuế, đất đai và cải cách hành chính. Đối với chính sách đầu tư phát triển, Đoàn giám sát đề nghị tập trung đầu tư các nguồn lực quốc gia phát triển hạ tầng và bảo đảm các điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đối với các KKT, KKTCK đủ điều kiện phát triển; chuyển đổi KKT không hiệu quả thành các khu công nghiệp có quy mô nhỏ hơn, các KKTCK không phát triển chuyển thành các trung tâm thương mại cửa khẩu.

Bình An