“Điểm đến” của tội phạm rửa tiền xuyên quốc gia
Ở Việt Nam, tội phạm rửa tiền thời gian gần đây diễn ra khá phức tạp với việc phát hiện ngày càng nhiều vụ án rửa tiền. Điển hình như vào năm 2008, vụ bọn tội phạm đánh cắp tiền từ tài khoản nước ngoài rồi chuyển vào Việt Nam “rửa” tiền thông qua tài khoản tại 2 chi nhánh ngân hàng thương mại ở Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng giá trị quy đổi là 7,44 tỷ đồng, lực lượng công an đã bắt giữ 2 đối tượng người Mozambique. Tiếp đến là các vụ Nguyễn Đức Chi đầu tư vào các dự án tại Khánh Hòa thông qua Công ty Russaka – Invest để rửa tiền từ hoạt động phạm tội tại Nga, từ đó lợi dụng danh nghĩa công ty để lừa đảo, đưa hối lộ; vụ Lê Thị Mai đầu tư tiền từ hoạt động ma túy vào các dự án của Công ty Viet Can Resorts & Plannation; vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền…
Ngân hàng Thế giới đã từng đưa ra nhận định: “Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền vì hệ thống thanh tra, giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng của các ngân hàng còn kém phát triển; mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn”. Còn theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng. “Nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, sự vận hành hợp pháp của lĩnh vực tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng” - UNODC cảnh báo.
PCRT - nhiệm vụ quốc gia
Nhận thấy tình hình trên có thể đe dọa tới sự phát triển ổn định của nền kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự của đất nước, ngày 13/4/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 470/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về PCRT. Các cơ quan chức năng luôn có nhiều cố gắng trong phối hợp lực lượng, phòng ngừa và xử lý các hành vi rửa tiền, đồng thời tích cực hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực PCRT.
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng có nhiều quy định xử phạt tương đối rõ ràng đối với những tội phạm có hành động rửa tiền. Khoản 1 Điều 251 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người nào thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tiền, tài sản đó vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Hình phạt cao nhất được áp dụng với tội “Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có” lên tới 15 năm tù giam, cộng với hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản, phạt tiền đến 3 lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hóa.
Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 xác định trách nhiệm PCRT, tài trợ khủng bố của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể là không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp; xây dựng quy định nội bộ về PCRT, tài trợ khủng bố; thực hiện các biện pháp PCRT, tài trợ khủng bố.
Ngoài ra, dù chưa phải là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất song Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về PCRT của Chính phủ chính là văn bản đầu tiên quy định riêng và toàn diện nhất về PCRT. Bên cạnh đó còn có Thông tư số 22/2009/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp PCRT. Theo Nghị định 74, Cục PCRT (có chức năng thu thập, phân tích và chuyển giao các thông tin liên quan đến rửa tiền) và Trung tâm Thông tin PCRT (đơn vị tình báo tài chính) đã được thành lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Phải đáp ứng yêu cầu hội nhập
Tuy nhiên, các quy định của pháp luật nước ta liên quan đến tội rửa tiền có nhiều điểm hạn chế trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 33 của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương (APG) – tổ chức quốc tế mang tính tự quản và hợp tác về chống rửa tiền - vào tháng 5/2007. Là thành viên của APG, Việt Nam cam kết thi hành đúng các điều khoản PCRT, đặc biệt là phải thực thi 40 + 9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Chẳng hạn, một số “tội phạm nguồn có quy định hình phạt tối thiểu” theo quy định của BLHS Việt Nam lại nhẹ hơn so với yêu cầu của FATF (như tội buôn lậu là tội phạm nguồn khá phổ biến của tội rửa tiền ở nước ta nhưng mức phạt tội thiểu chỉ là phạt tiền, trong khi yêu cầu của FATF thì tối thiểu là 6 tháng tù).
Vì vậy, Việt Nam cần rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật của minh về rửa tiền cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao uy tín của Việt Nam, tránh tâm lý e ngại cho cả các nhà đầu tư nước ngoài lẫn các cá nhân, tổ chức Việt Nam kinh doanh tại nước ngoài. Quan điểm của NHNN cho thấy: “Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, việc ban hành Luật PCRT có điều chỉnh vấn đề tài trợ khủng bố là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu minh bạch nền tài chính quốc gia mà còn thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về PCRT và tài trợ khủng bố”.
Cẩm Vân