Xã hội hóa Giám định tư pháp: Các văn phòng phải được sát hạch thường xuyên

22/11/2011
Ủng hộ chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm một số lĩnh vực, và cần phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các Văn phòng này. Hôm qua (21/11), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật GĐTP.

Nên tập trung một đầu mối?

Theo quy định tại Điều 13 Dự thảo Luật, hệ thống tổ chức GĐTP về pháp y không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Công an cấp tỉnh) như quy định hiện hành.

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) không đồng tình với quy định nói trên. “Tội phạm hiện nay đang gia tăng mạnh, nhất là ma túy và giết người, lực lượng pháp y Công an tỉnh bất kể ngày đêm, mưa nắng, có trình độ, được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng tốt yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng” - ĐB Thủy đề nghị giữ nguyên hệ thống pháp y như hiện hành.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị tương tự. Ông nhấn mạnh: pháp y trong công an nhân dân đang rất có điều kiện, thực tế xã hội cũng đang cần họ, nhất là trong công cuộc phòng chống tội phạm. “Nếu cần tập trung một đầu mối thì nên tập trung cho Công an, để Y tế tập trung chữa bệnh”, ĐB Đương nói.

Trái ngược với các quan điểm nêu trên, nhiều ĐB lại tán thành với Tờ trình của Chính phủ. ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định: lực lượng pháp y Công an tỉnh tỉnh chưa bao giờ là một tổ chức, mà chỉ có 1-2 người trong Phòng Kỹ thuật hình sự. Giải trình của Chính phủ cũng chỉ rõ, nếu chuyển cũng không ảnh hưởng đến công việc chung; “Tập trung vào một mối sẽ đảm bảo đầu tư kinh phí, trang thiết bị… tránh dàn trải, lãng phí”.

ĐB Bùi Văn Xuyền chung nhận định và cho rằng thu gọn đầu mối sẽ vẫn phát huy được cơ chế phối hợp giữa hai ngành Công an và Y tế như hiện nay.

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật nói trên, nhiều ĐBQH cũng đồng tình nên “nhập” pháp y Công an cấp tỉnh vào cho ngành Y tế để có thể tập trung đầu tư mọi mặt. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: nếu được giao, ngành Y tế sẽ làm tốt nhiệm vụ này

Xã hội hóa phải tránh thông đồng, tiêu cực

Bên cạnh tổ chức GĐTP công lập, lần đầu tiên Dự thảo Luật GĐTP quy định về tổ chức GĐTP ngoài công lập (Văn phòng GĐTP). Đây là tổ chức do giám định viên tư pháp thành lập ở các lĩnh vực GĐTP, trừ lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự.

ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) ủng hộ chủ trương xã hội hóa để giảm tải kinh phí nhà nước nhưng theo ĐB này nên quy định rõ lĩnh vực nào làm trước, lĩnh vực nào làm sau. “Các Văn phòng phải thường xuyên sát hạch, giống như việc bổ nhiệm lại thẩm phán. Vấn đề này phải thể hiện rõ trong Luật, cần kiên quyết không cho tồn tại những Văn phòng yếu kém” - ĐB này đề nghị.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ), Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) và nhiều ĐB khác đồng tình với việc cần thiết phải xã hội hóa như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng bày tỏ sự không bằng lòng với quy định các Văn phòng GĐTP được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai… như trong dự thảo vì cho rằng như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng đối với tổ chức GĐTP công lập. Nhiều ĐB khác cũng đề nghị cần có sự kiểm soát chặt chẽ đối với loại hình này để tránh hiện tượng thông đồng, tiêu cực, dẫn đến “chạy” giám định.

Tuy nhiên, cũng thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐB lại không đồng tình với việc xã hội hóa, ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng, việc xã hội hóa không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Thêm vào đó, xã hội hóa đòi hỏi đầu tư lớn trong khi nhu cầu không nhiều, quản lý không chặt dễ phát sinh tiêu cực. ĐB Lý đề nghị giữ nguyên mô hình như hiện nay.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (Gia Lai) cũng không tán thành chủ trương xã hội hóa và cả việc cho phép đương sự trong vụ án dân sự, hành chính được yêu cầu giám định. “Bảo đảm công lý là trách nhiệm của nhà nước. Nếu xã hội hóa chắc chắn những lộn xộn trong xã hội sẽ xảy ra, sẽ có nhiều kết luận giám định mà chỉ để xử lý nó đã khó khăn. Quy định như vậy dẫn đến đương sự cứ chạy tìm kết luận giám định theo ý của mình, giống như là mua bán công lý vậy”.

Đây là lần đầu tiên Dự án Luật GĐTP được đưa ra Quốc hội cho ý kiến, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình kỳ họp sau.

Thu Hằng