Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Không để sức lao động bị “vắt kiệt” hợp pháp

17/11/2011
Là một trong những dự thảo Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, chiều qua (16/11), dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại các tổ ĐBQH nhằm có một dự thảo bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động (NLĐ) trên cơ sở cân đối với quyền lợi của người sử dụng LĐ, đáp ứng sự thay đổi không ngừng của yêu cầu và thị trường LĐ hiện nay.

Nghỉ hưu sớm có mất quyền lợi?

Thời gian qua, vấn đề về tuổi nghỉ hưu của LĐ đã gây ra nhiều tranh cãi. Qui định hiện hành, tuổi nghỉ hưu là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần tăng độ tuổi nghỉ hưu cho LĐ nữ, hay nói cách khác là rút ngắn khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa LĐ nam và nữ để đảm bảo bình đẳng giới, phù hợp với tuổi thọ trung bình, và đặc biệt là khai thác được tiềm năng của LĐ vốn đang ngày càng có trình độ phát triển không thua kém LĐ nam.

Khẳng định “không đề nghị thay đổi qui định về độ tuổi nghỉ hưu” nhưng ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, nếu được nghỉ sớm mà vẫn được chi trả bảo hiểm xã hội thì cũng là một sự ưu tiên cho LĐ nữ. Và để phù hợp với thực tế, có thể qui định cụ thể về vấn đề này cho LĐ nữ ở các môi trường LĐ khác nhau để tạo điều kiện cho LĐ nữ phát triển.

Tán thành quan điểm của ban soạn thảo coi nghỉ hưu là quyền của mỗi cá nhân sau 1 thời gian dài cống hiến sức LĐ, ĐB Nguyễn Thanh Phương (TP.Cần Thơ) phản ánh, thực tế với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng LĐ, sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng và thai sản, khi LĐ nữ đủ độ “chín muồi” để làm việc có trình độ thì đã tiếp cận tuổi nghỉ hưu, nhất là ở những cơ quan đòi hỏi trình độ cao. Do đó, ĐB Phương lưu ý: “nếu không cân nhắc về độ tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ thì sẽ lãng phí sức và nguồn LĐ. Nên có thể tăng tuổi nghỉ hưu của nữ và giảm của nam hoặc tăng dần tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ theo từng năm để khai thác được sức LĐ khi XH ngày càng phát triển”.

Từ thực tế là NLĐ phải làm việc chân tay thì muốn nghỉ sớm, nhưng trí thức lại muốn kéo dài thời gian làm việc nên ĐB Nguyễn Minh Kha (TP.Cần Thơ) nhấn mạnh “cần xem xét khía cạnh xã hội (cái chung) chứ không lấy từng lĩnh vực để qui định về tuổi nghỉ hưu được”. Do đó, dù đồng tình về khái niệm “quyền nghỉ hưu” của NLĐ, nhưng ĐB Kha lại không thấy cần phải thay đổi qui định về độ tuổi nghỉ hữu vì cho rằng, qui định như hiện nay là hợp lý.

Trung hòa giữa 2 luồng ý kiến trên, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP. Cần Thơ) đề xuất, nên có qui định riêng cho những người LĐ nặng có thể nghỉ trước 55 tuổi, những ngừơi có học hàm, học vị có thể kéo dài làm việc để mở rộng, tạo điều kiện cho người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, vị trí công tác quan trọng có thể tiếp tục cống hiến sức LĐ cho xã hội.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, dù là quyền nghỉ hưu song cũng cần lưu ý là LĐ hiện rất vất vả. Nếu kéo dài độ tuổi LĐ cũng cần tính toán để không tạo áp lực xã hội đối với NLĐ.

Tăng thời gian làm việc sẽ “vắt kiệt” sức LĐ

Trong khi đó, chưa có qui định nào về việc NLĐ trực tiếp sản xuất làm ra của cải cho xã hội được làm 40 giờ/tuần (như cán bộ công chức, viên chức), nhưng lại có qui định tăng giờ làm thêm khiến nhiều ĐBQH tỏ ra lo ngại và như ĐB Hoàng Thành Lập (TP.HCM) đề nghị ban soạn thảo phải giải thích lý do.

ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) lưu ý, nhìn ở góc độ lợi ích, doanh nghiệp bao giờ cũng muốn tăng giờ làm để giải quyết được các đơn hàng, tạo thêm lợi nhuận, giảm được các khoản chi phí…, còn NLĐ cũng muốn làm thêm do tiền lương hiện mới mang tính tượng trưng, chưa “nuôi” được NLĐ và gia đình họ (may mắn có thể đáp ứng 60-70% nhu cầu sống của NLĐ). Nhưng ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) cho rằng, tăng thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm là quá cao và không cần thiết vì trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển, sản phẩm làm ra càng nhiều thì thời gian làm việc phải ít đi.

Nếu doanh nghiệp muốn thì tuyển thêm công nhân chứ không thể tăng giờ làm của NLĐ. Thậm chí, ĐB Hoàng còn cảnh báo, “cần nghiên cứu về tăng thời gian làm thêm để phù hợp với thực trạng sức LĐ hiện nay và tránh nguy cơ NLĐ bị khai thác sức LĐ quá mức”. Thậm chí, một số ĐBQH còn gay gắt hơn khi nhận định “thời gian làm thêm như vậy sẽ vắt kiệt sức LĐ và tác động không tốt đến NLĐ, gây khó khăn cho NLĐ”.

ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) bày tỏ, qui định về thời gian làm thêm như dự thảo thì NLĐ sẽ khó có điều kiện sự tái tạo lao động. Và “mặc dù có quy định sau thời gian làm thêm dài thì lại tổ chức nghỉ bù nhưng mục đích làm thêm là thêm thu nhập thì qui định nghỉ bủ để làm gì?” – ĐB Ánh băn khoăn.

* Cùng ngày, các tổ ĐBQH cũng đã thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn với các nội dung được quan tâm là để tổ chức Công đoàn không còn là hình thức, có thể bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của NLĐ, “dung hòa” được mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng LĐ, cũng như để không còn tình trạng “tổ chức Công đoàn tồn tại cho có”./.

Hương Giang