Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền: Không tạo khoảng trống cho việc rửa tiền ngay trong nội bộ

16/11/2011
Thực tiễn ở Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu của hành vi rửa tiền khá phức tạp, liên quan đến tổ chức tội phạm ở nước ngoài. Ngân hàng thế giới, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc đã nhận định, Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền và dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt. Nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng. Luật Phòng chống rửa tiền được xây dựng và đưa ra Quốc hội thảo luận sáng 15/11 được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu đó.

Luật Phòng chống rửa tiền để có nền tài chính minh bạch

Trước thực trạng, Việt Nam đang trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền (theo Báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 74/2005 của Chính phủ) vì hệ thống thanh tra giám sát, hệ thống kế toán và tìm hiểu khách hàng kém phát triển, mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn, nhiều khe hở trong hệ thống pháp luật, các ĐBQH đều thể hiện sự nhất trí cao với việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền. Đó không chỉ là nhu cầu của phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền tài chính minh bạch, phù hợp với xu thế hội nhập mà còn là quá trình phát triển về nhận thức.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá, các biện pháp phòng, chống rửa tiền qui định trong dự thảo Luật là cơ bản đầy đủ và tích cực, nếu thực hiện tốt các luật sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, với những hành vi cấp độ khác nhau thì có biện pháp phòng, chống tương ứng. Có như vậy mới giải quyết được các mâu thuẫn khi luật ban hành.

Trong các mục đích ban hành Luật, ưu tiên các biện pháp xây dựng một nền tài chính minh bạch, trong đó bao gồm cả minh bạch hóa về thu nhập cá nhân, tài sản của cá nhân nên ĐB Phương cho rằng cần có một điều đề cập đến việc minh bạch hóa thu nhập tài sản cá nhân và coi đó như điều kiện hàng đầu về công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền ở trong nước.

Bên cạnh đó, nếu trong luật không khắc phục được việc đề cao bí mật riêng tư, ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền và tài sản, thiếu minh bạch trong thanh toán và kiểm soát thì hiệu quả phòng, chống rửa tiền sẽ rất thấp, tạo ra một khoảng trống cho việc rửa tiền ngay trong nội bộ mà pháp luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh mang tính hình thức.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) lo ngại, qui định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền trong dự thảo Luật “sẽ bỏ sót những khối lượng giao dịch và những cơ sở giao dịch. Đây chính là mảnh đất màu mỡ tiềm ẩn cho hoạt động rửa tiền, đặc biệt là nước ngoài vào rửa tiền ở Việt Nam và rửa tiền trong nước thì lại chưa được đề cập”. Phân tích vấn đề này, ĐB Khánh cho rằng, ở Việt Nam hình thức giao dịch tài chính, tài sản trực tiếp và sử dụng tiền mặt đang là một giao dịch khá phổ biến và đây chính là khoảng trống lớn nhất về pháp luật hiện nay, dẫn đến việc thực hiện rửa tiền nhưng nhằm che giấu những hành vi tham nhũng.

Còn khủng bố thì chúng ta có thể nói chưa thấy phát hiện những hiện tượng này và nêu được mối liên hệ của nó. Nhưng trong quy định của dự thảo luật thì hoàn toàn chỉ quy định các biện pháp phòng, chống rửa tiền thông qua hoạt động tín dụng, tức là thông qua hệ thống ngân hàng và thông qua các tổ chức cơ sở kinh doanh phi tín dụng, nhưng có liên quan đến tín dụng, còn phần lớn mảng giao dịch ta gọi là tảng băng chìm, giao dịch trực tiếp và thông qua hệ thống ngân hàng, thông qua tổ chức tín dụng thì lại không được đề cập trong này.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tán thành việc ban hành Luật Phòng chống rửa tiền vì ở Việt Nam phòng, chống rửa tiền còn là biện pháp quan trọng chống tham nhũng. Nếu đối với các nước phát triển phòng, chống rửa tiền gắn với phòng, chống khủng bố nhiều hơn thì ở Việt Nam phải gắn với phòng, chống tham nhũng và chống các hoạt động phạm pháp khác như ma túy, buôn lậu v.v..... Hành vi rửa tiền ở Việt Nam vừa qua cũng đã tăng lên theo quy mô và tốc độ phát triển cũng như tốc độ hội nhập của Việt Nam. Như vậy, “luật này không chỉ đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn đáp ứng chính nhu cầu của đất nước chúng ta ở việc trước mắt cũng như trung hạn và dài hạn” – ĐB Nghĩa khẳng định.

Đưa “khủng bố” ra ngoài hay “ôm”

Đó là quan điểm của nhiều ĐBQH khi thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền. ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) thống nhất cao với ý kiến của Bộ Tư pháp là luật này chỉ đề cập đến phòng, chống rửa tiền, không nên xây dựng gắn liền với tài trợ khủng bố vì thấy rằng nếu gắn phòng, chống rửa tiền vào tài trợ khủng bố không những làm giảm sự quan tâm đến các mục đích khác của việc rửa tiền, mà còn phân tán các giải pháp, các nhiệm vụ trong phòng, chống rửa tiền. Luật này chỉ nên đề cập đến những vấn đề có liên quan đến phòng, chống rửa tiền nhằm hướng tới một nền tài chính minh bạch, rõ ràng đó là sự cơ bản cho phát triển ổn định và bền vững.

Nhưng ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phòng chống có hiệu quả các vi phạm tội phạm về rửa tiền và tài trợ khủng bố, đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong nhân dân đối với Nhà nước, giữ vững trật tự an ninh xã hội, phù hợp với luật pháp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, huy động được sức mạnh của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống vi phạm tội phạm nói chung cũng như tội phạm vi phạm về rửa tiền và khủng bố nói riêng. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của luật này là quy định các biện pháp về phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tán thành quan điểm này, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) còn đề nghị bổ sung thêm cụm từ "tài trợ khủng bố" vào tên của luật thành: Luật Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố để đảm bảo phản ánh đầy đủ, bảo đảm bao hàm xuyên suốt được toàn bộ nội dung của luật.

ĐB Khánh đồng tình với nhiều ĐBQH không nên đưa phần tài trợ khủng bố vào trong luật này vì tội khủng bố được coi là tội phạm nguồn của việc rửa tiền, nhưng đây là 2 loại tội khác nhau, tính chất, mức độ nghiêm trọng hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, khủng bố thường là tội phạm có tổ chức, hành vi tài trợ cho khủng bố là hành vi đồng phạm trong tội phạm có tổ chức khủng bố. Nếu tách phần này đưa sang phần phòng, chống rửa tiền đương nhiên đã giảm cấp độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, theo đó sẽ làm giảm tính nghiêm minh và hiệu quả trong phòng, chống tài trợ khủng bố.

Còn ĐB Nghĩa đồng ý quy định phòng, chống khủng bố có một luật riêng, tuy nhiên khi nói đến Luật Phòng, chống rửa tiền chúng ta không thể không nhắc đến những điểm có liên quan. Vì vậy, không phải tuyệt đối không nói gì đến việc phòng, chống khủng bố, phòng, chống tham nhũng hay những vấn đề ma túy, buôn lậu v.v..... Nên ĐB Nghĩa “đồng ý là có luật riêng nhưng nếu cần thiết vẫn phải quy định để làm rõ những quy định của luật này”.

Vẫn theo lối “qui định chung chung”, Điều 21 của dự thảo quy định mức giao dịch phải báo cáo là có giá trị lớn và giao cho ngân hàng nhà nước quy định mức có giá trị lớn khiến ĐB Lương Văn Thành (TP Hải Phòng) nhận định “quy định như dự thảo luật rất khó thực thi. Thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự đã cho thấy nhiều khó khăn khi gặp các khái niệm: hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có giá trị lớn, nên đã phải sửa đổi, bổ sung và định lượng hóa đối với một số loại tội phạm để thuận lợi cho việc điều tra, truy tố và xét xử”.

Tham khảo Luật Phòng, chống rửa tiền của một số nước trên thế giới như Mỹ, Australia quy định trên 10.000 USD, Nhật Bản qui định trên 30 triệu Yên là phải lưu trữ chứng từ và báo cáo. Nghị định 74 của Chính phủ (ngày 07/6/2005) về phòng, chống rửa tiền cũng quy định giao dịch tiền mặt là trên 200 triệu đồng, gửi tiền tiết kiệm trên 500 triệu đồng phải báo cáo. Do đó, ĐB Thành đề nghị, Luật Phòng, chống rửa tiền cần phải quy định cụ thể một mức giá trị để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh phải sửa đổi nhiều lần theo tôi mức giao dịch phải báo cáo nên quy bằng hệ số tiền lương mức cơ bản để dễ điều chỉnh…

H.Giang