Quốc hội thảo luận dự án Luật Quảng cáo

15/11/2011
Cùng với những nội dung trong dự thảo Luật Quảng cáo (LQC) về QC ngoài trời, trách nhiệm đối với nội dung QC…, tại phiên thảo luận sáng ngày 14/11 về dự thảo LQC, các ĐBQH vẫn chưa thống nhất về việc giao trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động QC cho Bộ VHTT&DL (như tờ trình của Chính phủ) hay cho Bộ TT&TT - cơ quan quản lý đến 80% “công cụ” phát hành QC hiện nay.

Quản lý phương tiện nhưng không quản lý nội dung

Tán thành với quan điểm của Chính phủ, như một số ĐBQH khác, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (BR-VT) nhận thấy để Bộ VHTT&DL quản lý nhà nước về QC là phù hợp bởi mục đích chính của công tác quản lý hoạt động QC là hoạt động nội dung về sản phẩm quảng cáo, mỗi sản phẩm quảng cáo ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác, còn phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta nên cần có một cơ quan để quản lý chặt chẽ về nội dung QC là chính. Còn các cơ quan thông tin đại chúng như báo đài, internet, các phương tiện truyền dẫn chỉ là phương tiện để chuyển tải thông tin QC.

Nhưng nhiều ĐBQH nhận định, qui định như vậy là “không hợp lý” và đề nghị Chính phủ giao cho Bộ TT&TT chức năng quản lý hoạt động này, vì thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trên thực tế Bộ VHTT&DL hiện chỉ kiểm soát quảng cáo ngoài trời với doanh số chỉ chiếm 10% - một phần nhỏ trong hoạt động quảng cáo, so với quảng cáo trên truyền hình phát thanh, báo chí, internet – là những cơ quan do Bộ TT&TT quản lý - chiếm trên 80% doanh số.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) còn nhận thấy, với nhiệm vụ được giao thì hiện nay Bộ TT&TT đã có sẵn bộ máy vừa quản lý nội dung thông tin tuyên truyền, vừa kiểm soát về QC nên “nếu LQC giao chức năng quản lý nhà nước về QC cho ngành VHTT&DL thì dẫn đến sự lãng phí lớn về nhân lực, đồng thời làm phình bộ máy quản lý một cách không cần thiết” - ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) tán thành.

ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cũng nhận thấy sự bất hợp lý khi giao cho Bộ VHTT&DL quản lý nhà nước về QC vì theo qui định hiện nay tạo ra sự không đồng bộ giữa xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách quản lý nhà nước đối với hoạt động QC.

Chưa bỏ được thủ tục cấp phép QC ngoài trời

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cho rằng, việc bỏ thủ tục cấp phép trên bảng QC, băng rôn sẽ rất khó khăn cho công tác quản lý trật tự trong lĩnh vực QC, “sẽ có nhiều diễn biến phức tạp không thể tránh khỏi” nhất là khi chưa có lộ trình để các cơ quan quản lý từ TƯ đến địa phương chuẩn bị, “nên cân nhắc thêm điều này để đảm bảo tính khả thi khi quyết định bỏ thủ tục cấp phép đối với loại hình QC này.

Cho rằng, loại hình QC ngoài trời chỉ chiếm 20%, nhưng hiệu quả của nó rất quan trọng nên ĐB Nguyễn Thị Bạch Ngân (BR-VT) rất băn khoăn về việc bỏ cấp giấy phép thay bằng thông báo. Và dù bỏ cấp phép là một bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, nhưng hiện nay vấn đề QC bằng băng rôn ở các đô thị lớn rất phức tạp, thường nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị nên cần có sự quản lý chặt chẽ để ràng buộc. Do vậy, như một số ĐBQH khác, ĐB Ngân thấy “trong thời điểm hiện nay cần nên giữ phần cấp phép, chúng ta không nên bỏ khi chưa có đủ điều kiện để quản lý cho tốt những mặt còn kém”.

ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cũng lưu ý “việc bỏ cấp phép QC ngoài trời cũng cần có lộ trình và quy định chặt chẽ hơn. Để đảm bảo tính khả thi của dự án luật, khi bãi bỏ việc cấp giấy phép chúng ta cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng” tuy đưa ra ý kiến ngược lại là đồng tình cao với việc bỏ cấp phép đối với QC ngoài trời, tăng cường công tác hậu kiểm.

H.Giang

* ĐB Dương Hoàng Hương (Phú Thọ): “Tôi nhất trí với dự thảo các qui định tăng diện tích và thời lượng QC cho các loại hình báo chí nhằm tạo điều kiện cho các báo, nhất là các báo hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, phát triển dịch vụ tăng doanh thu. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự khống chế thời lượng khác nhau đối với QC thương mại và QC phi thương mại, qui định về vùng quảng cáo trên báo điện tử, đặt ra vấn đề quản lý QC trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân để có qui định khung cho phù hợp”.

* ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre): “Kiểm duyệt nội dung QC là khâu quan trọng, nhưng xem lại toàn bộ dự án luật thì nó rất mờ nhạt. Chúng ta chỉ có hậu kiểm đối với QC ngoài trời, còn việc xử lý QC không đúng sự thật, lừa dối người tiêu dùng, sử dụng ngôn từ, hình ảnh phản cảm thì gần như cũng chưa được xử lý. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị bổ sung các quy định kiểm duyệt nội dung QC vào dự án, trong đó quy định rõ lĩnh vực tiền kiểm, hậu kiểm, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Tôi nghĩ đây là những vấn đề cần chấn chỉnh và phải có chế tài”./.