Thảo luận Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi

11/11/2011
Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sáng nay – 11/11 được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao, nhất là về đối tượng áp dụng Luật, loại tiền gửi được bảo hiểm…

Đa số ĐBQH nhất trí chỉ BHTG của người gửi tiền là cá nhân, trong khi một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được BHTG là các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và các khoản quỹ hoạt động nhân đạo, từ thiện và các hộ gia đình. Theo quan điểm của Chính phủ, mục đích của BHTG nhằm bảo vệ những người gửi tiền nhỏ, thiếu thông tin và hiểu biết về tổ chức nhận tiền gửi. Đối với các tổ chức, pháp nhân (nhất là đối với các doanh nghiệp), tiền gửi chủ yếu nhằm mục đích thanh toán, mặt khác, các tổ chức thường có thông tin, hiểu biết để lựa chọn các tổ chức nhận tiền gửi an toàn nên không thuộc đối tượng được BHTG.

Việc BHTG đối với hộ gia đình, tổ hợp tác sẽ không thống nhất với hệ thống pháp luật ngân hàng về hoạt động nhận tiền gửi. Đối với các hợp tác xã, tiền gửi cũng chủ yếu nhằm mục đích thanh toán và thường có thông tin, hiểu biết để lựa chọn các tổ chức nhận tiền gửi an toàn nên cũng không được đưa vào đối tượng được BHTG. Các quỹ hợp pháp của tổ chức chính trị xã hội có thể gửi tiền các ngân hàng chính sách được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán. Do vậy, Chính phủ dự kiến tiếp thu theo đa số ý kiến ĐBQH chỉ BHTG của người gửi tiền là cá nhân.

Dự thảo Luật BHTG qui định chỉ BHTG đối với đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, khi thảo luận, nhiều ĐBQH đề nghị xem xét việc BHTG đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quí nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, huy động lượng lớn ngoại tệ và vàng gửi vào hệ thống ngân hàng. Đồng thời, bổ sung qui định thời điểm hoặc lộ trình sẽ BHTG bằng ngoại tệ, qui định mức phí BHTG khác nhau đối với các loại tiền gửi khác nhau…

Với quan điểm, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam hướng đến mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đô la hoá nên Chính phủ không qui định BHTG cho tiền gửi bằng ngoại tệ. Bên cạnh đó, việc bảo vệ tiền gửi là ngoại tệ và bảo vệ việc gửi vàng của người dân với tư cách là một tài sản của người dân đã được qui định tại nhiều văn bản pháp luật về ngân hàng, nhưng không thuộc chính sách BHTG của Nhà nước. Do vâỵ, Chính phủ không thay đổi qui định này./.

H.Giang