Quốc hội thảo luận về Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá

10/11/2011
Thảo luận tại tổ chiều 9/11 về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhiều ĐBQH thể hiện sự quan tâm đến khả năng “luật đi vào cuộc sống” vì đây là hai lĩnh vực “không phải cấm là được”.

Truyền thông, tăng thuế để giảm tác hại thuốc lá

Theo quan điểm của nhiều ĐBQH, hút thuốc lá là thói quen của nhiều người. ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) nhận thấy, hiện nay vận động không hút thuốc từ lâu, nhưng hiệu quả không được nhiều và ngày càng nhiều người, trong đó có học sinh, sinh viên, hút thuốc. Sự tác động của thuốc lá đến sức khỏe là dạng “ẩn” và chỉ thể hiện khi chủ thể phát bệnh được xác định do thuốc lá gây ra. Do đó, nếu đơn thuần “cấm” thì hầu như khó thực thi luật này. Thực tế, Chính phủ cũng đã có 1 Nghị định về cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng hầu như chỉ là “qui định trên giấy” vì người hút thuốc lá vẫn vô tư nhả khói thuốc lá ở bất kỳ đâu họ muốn, thậm chí cả ở trường học, bệnh viện, cơ quan….

Nhiều ĐBQH cho rằng, nếu chỉ giảm về cầu thì khó. ĐB Nguyễn Bá Thanh (TP.Đà Nẵng) nhấn mạnh, cấm là để người khác không bị chịu tác hại của thuốc lá, nhưng cũng sẽ làm tăng nạn nhập lậu thuốc lá và nhà nước sẽ thất thu thuế từ thuốc lá nên “cấm không hề đơn giản”. ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cho rằng, đánh thuế cao, kiên quyết không bán thuốc là rẻ thì sẽ giảm được số người hút thuốc. Còn việc nhập lậu thuốc theo ĐB Minh là “cái chính bây giờ là quản lý không tốt”.

ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng, cần xem xét cụ thể chứ không chỉ giảm cung. Còn ĐB Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình) cho rằng, phòng chống tác hại thuốc lá thì “truyền thông là quan trọng nhất” nên “cần thực hiện truyền thông bài bản, lâu dài như ngành Y tế đã làm trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình, chứ không thể vài ba phút là xong. Khi mỗi người tự nhận thức được tác hại của thuốc lá thì mới giảm được số người hút thuốc”. Bên cạnh đó, tiến tới giảm dần sản xuất trong nước với việc giảm trồng cây nguyên liệu, giảm nhập khẩu thuốc lá sợi, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. “Nếu vừa đắt vừa hiếm thì người tiêu dùng sẽ giảm nhu cầu” - ĐB Tỉnh nhận định. ĐB Doãn Thế Cường (Hưng Yên) kiến nghị, tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đối việc thực hiện luật này và qui định mạnh mới có tác dụng cấm.

Tán thành với việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, nhiều ĐBQH kiến nghị “Quỹ cần phải đủ mạnh, do cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật này quản lý mới có tác dụng chứ không nên để như Quỹ bình ổn xăng dầu”.

Để Bộ Công an quản lý cơ quan phòng chống rửa tiền

Thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền, đa số ĐBQH đều nhất trí với tính cấp thiết của việc ban hành dự thảo Luật này vì như ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), “hành vi rửa tiền ở nước ta đã manh nha” và vì “hoạt động tài chính hiện nay có độ mở rất lớn” như phản ánh của ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM).

Song nhiều ĐBQH tỏ ra “chưa thông” với qui định cơ quan phòng chống rửa tiền là một đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước. Bởi rửa tiền về khía cạnh nào đó là một loại tội phạm, nếu giao cho 1 cơ quan quản lý nhà nước nhưng không có chức năng điều tra, khởi tố thì không hợp lý. Thực tế, việc phát hiện, xử lý các hành vi rửa tiền chủ yếu bằng nghiệp vụ của ngành công an. Do vậy, ý kiến của nhiều ĐBQH nhất trí với việc để Bộ Công an quản lý cơ quan này sẽ thuận lợi cho công tác phòng chống rửa tiền.

ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) nhận xét, qui định của dự thảo luật về cơ quan phòng chống rửa tiền còn chung chung, chưa xác định được địa vị pháp lý và quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn. Như vậy sẽ khó khi xử lý, hoạt động. ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng, các biện pháp trong luật cũng đã tương đối thích hợp, nhưng biện pháp quan trọng trong phòng chống rửa tiền là sự phối hợp và cung cấp thông tin kịp thời giữa các cơ quan liên quan, không chỉ trong mà cả ngoài nước.

Các ĐBQH cũng kiến nghị cần có sự thống nhất về khái niệm “rửa tiền” trong dự thảo luật và Bộ luật Hình sự để tránh có sự hiểu lầm là hai hành vi khác nhau, cũng như đảm bảo sự thống nhất giữa các khái niệm khác trong dự thảo luật Phòng chống rửa tiền với Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan hiện hành./.

H.Giang