Cả gia đình tôi gắn bó rất nhiều với nước Nga
PV: Công tác trong ngành Ngoại giao, đã đi nhiều nước, bên cạnh Tổ quốc thì Quốc gia nào để lại trong bà ấn tượng sâu sắc nhất?
*. Đối với tôi thì nước Nga là nơi có nhiều kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Cả gia đình tôi gắn bó rất nhiều với nước Nga. Mẹ tôi học ở Nga và có nhiều năm công tác tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Nga. Bố tôi và mẹ tôi gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau, sinh chị gái đầu tiên của tôi ở Nga. Đối với gia đình tôi mà nói thì nước Nga thực sự rất gắn bó.
Khi còn nhỏ, tôi được nghe rất nhiều về nước Nga và một trong những cuốn sách tôi rất ấn tượng là cuốn sách viết về bà Alexandra Kollontai, nữ Đại sứ đầu tiên của Nga. Khi lớn lên, lựa chọn để thi vào ngành Ngoại giao, được sang Nga học ở trường MGIMO thì đối với tôi là vinh dự và niềm sung sướng rất lớn. Tôi vẫn còn ấn tượng sâu sắc những ngày đầu tiên đặt chân vào Trường, cảm thấy mình thật sự may mắn khi được học tập trong một môi trường như vậy.
Giống như cha mẹ tôi, tôi và chồng tôi, anh Phùng Tất Thắng cũng gặp nhau, yêu nhau khi cùng theo học tại Trường MGIMO và sau này cũng lấy nhau ở Nga.
PV: Và phải chăng tên gọi của bà - “Nguyễn Phương Nga” cũng là một kỷ niệm của cha mẹ bà gợi nhớ tới nước Nga?
*. Đúng thế. Khi sinh chị gái đầu tiên của tôi ở nước Nga, cha mẹ tôi định đặt tên chị ấy là Nga, nhưng người Nga rất khó phát âm tên “Nga”, nên đến khi mang bầu tôi và sinh tôi khi về nước, mẹ đã đặt tên tôi là “Nga”, kết hợp với tên mẹ là “Phương” thành “Phương Nga”.
PV: Khoa Báo chí quốc tế mà bà theo học có để lại ấn tượng gì đặc biệt đối với bà không?
*. Khoa Báo chí là một khoa rất đặc biệt trong trường quan hệ quốc tế đó vì một lúc mình được học cả quan hệ quốc tế, cả báo chí quốc tế. Các thầy cô giáo người Nga thì hết sức chu đáo, tận tâm đối với sinh viên, đặc biệt là đối với sinh viên Việt Nam. Khi đó, chúng tôi 18 – 20 tuổi, xa nhà, nên được các thầy cô rất thương, chăm sóc như chăm con vậy. Tôi nhớ nhất là các thầy cô giáo dạy tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp vì ở trường chia nhỏ ra làm nhiều lớp, lớp học theo chuyên ngành thì học trên giảng đường, nhiều thầy cô cùng đến giảng, nhưng lớp học tiếng thì chỉ có 3 – 4 học sinh học cùng một lớp thôi. Thực sự, kỷ niệm tôi không bao giờ quên được là sự nhân hậu, sự chăm sóc của các thầy cô đối với sinh viên Việt Nam.
Còn đối với Trường thì vào thời điểm đó, có thể nói MGIMO là môi trường học tập tốt nhất mà chúng tôi mơ ước. Sau này đi làm tôi mới cảm nhận hết được ý nghĩa của phông kiến thức mà Trường đã trang bị cho mình.
PV: Bà có nhiều bạn ở đó không?
*. Có chứ. MGIMO là trường quốc tế nên chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều sinh viên ở các nước khác. Sống trong ký túc xá cũng vậy. Nhà trường có nguyên tắc không để sinh viên Việt Nam ở với nhau mà ở xen kẽ để nói tiếng Nga, cho nên tôi có rất nhiều bạn quốc tế từ CuBa, Hungari, Tiệp Khắc, Lào, Afghanistan…Tôi có 1 nhóm bạn MGIMO mà hiện giờ chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc và giúp đỡ nhau rất nhiều trong công việc.
PV: Bà đã trở lại thăm trường lần nào chưa?
*. Tôi có quay lại Nga một lần vào năm 2007, lúc đó thì cũng không có nhiều thời gian, lại rơi đúng vào ngày nghỉ lễ nên không có điều kiện quay lại trường, có đi ngang qua, nhưng chưa thăm lại các thầy các cô. Thực ra tôi cũng có kế hoạch để đi đấy, nhưng chắc chưa thực hiện được ngay.
PV: Năm nay, Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày cách mạng tháng 10 Nga và 67 năm thành lập Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO), Ban Liên lạc Cựu sinh viên MGIMO tổ chức Chương trình Gặp mặt với chủ đề “MGIMO - Hồi ức nước Nga“ nhằm ôn lại và chia sẻ những ký ức về thời gian sống và học tập tại Nga, cảm xúc của bà thế nào?
*. Thực sự là tôi rất sung sướng khi có cơ hội gặp mặt các anh chị em học sinh cũ của MGIMO. Không phải riêng tôi đâu mà rất nhiều bạn học sinh cũ của Trường đều rất vui mừng, xúc động chờ đến ngày gặp mặt. Tôi cảm thấy rất hồi hộp và sẽ nhất định sẽ tham dự sự kiện này.
PV: Với tư cách cựu sinh viên của nước Nga giờ đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà đánh giá thế nào về quan hệ Việt – Nga và triển vọng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới?
*. Có thể nói Việt Nam – Liên bang Nga có một mối quan hệ hữu nghị, truyền thống gắn bó lâu đời. Liên bang Nga là một trong những nước đầu tiên nhận quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước thì nhân dân Nga, Chính phủ Liên Xô cũ trước đây đã dành cho nhân dân Việt Nam sự hỗ trợ hết sức to lớn và quý báu.
Nhân dân Việt Nam nói chung không bao giờ quên những gì mà nhân dân, Chính phủ Nga đã làm cho mình. Đặc biệt là đối với những người gắn bó sâu sắc, được nước Nga nuôi nấng, được các thầy cô giáo và nhân dân Nga đào tạo như chúng tôi thì luôn luôn nhớ về nước Nga với những tình cảm tốt đẹp nhất. Là một sinh viên cũ ở Nga, nhìn thấy quan hệ hai nước tốt đẹp như thế này, thực sự, chúng tôi hết sức phấn khởi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Hồng Thúy (thực hiện)
Bà Nguyễn Phương Nga sinh ngày 27/8/1963, quê quán: Phượng Vũ, Phú Xuyên, Hà Nội, đã tốt nghiệp Cử nhân Quan hệ Quốc tế và báo chí quốc tế, Thạc sỹ báo chí quốc tế, Đại học Quan hệ Quốc tế Mát-xcơ-va (MGIMO). Trước khi đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Phương Nga đã từng trải qua các cương vị: Tùy viên báo chí, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan; Phó Vụ trưởng, Vụ Thông tin Báo chí; Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Lúc-xăm-bua và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Ủy ban Châu Âu; Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Lúc-xăm-bua và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Ủy ban Châu Âu; Vụ trưởng, Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao |