“Măng” chưa thành “tre” đã thành tội phạm
Thời gian vừa qua, dư luận bàng hoàng và lo ngại trước những vụ án nghiêm trọng, dã man do NCTN gây ra như vụ Nguyễn Ngọc Trung (Hà Nội), Nguyễn Văn Luyện (Bắc Giang), Đào Thu Hương tức My “Sói” (Hà Nội)… Song đó chỉ là một phần rất nhỏ trong “làn sóng tội phạm” do NCTN gây ra đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Ước tính, mỗi năm có khoảng 10.000 vụ phạm tội do NCTN gây ra. Tính chất phạm tội của NCTN ngày càng nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Điều đáng lo ngại là độ tuổi của NCTN phạm tội cũng ngày một được “trẻ hóa”. Thống kê sơ bộ cho thấy, lứa tuổi thực hiện hành vi phạm tội cao nhất từ 16 đến 18 tuổi chiếm khoảng 60%; từ 14 đến 16 tuổi là 32% và dưới 14 tuổi là 8%. Số NCTN phạm tội bị đưa ra xét xử năm sau luôn cao hơn năm trước.
Bộ luật Tố tụng hình sự mặc dù đã có qui định một chương riêng về thủ tục đặc biệt đối với bị can, bị cáo là NCTN, nhưng vẫn chưa qui định cụ thể về trình tự, thủ tục xét xử đối với NCTN. Do vậy, các phiên tòa xét xử NCTN hiện cũng giống với xét xử người thành niên, tại phòng xử án chung, không có sự khác biệt dù NCTN cần có môi trường xét xử thân thiện hơn.
Thậm chí, NCTN cũng bị đưa ra xét xử trong cùng vụ án với bị cáo đã thành niên (nếu là đồng phạm) làm cho NCTN bị ảnh hưởng tiêu cực từ phía bị cáo đã thành niên và có thể họ sẽ liều lĩnh và nguy hiểm hơn sau khi bị đưa ra xét xử. Pháp luật hiện cũng chưa có sự phân biệt qui định trình tự, thủ tục phiên tòa xét xử là bị cáo, người bị hại và người làm chứng là NCTN khác với người đã thành niên nên NCTN vẫn bị áp dụng trình tự, thủ tục chung, ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của họ.
Ngay thực tiễn áp dụng qui định về xét xử kín (Điều 307 Bộ luật TTHS) và bảo vệ thông tin cho NCTN, nhất là đối với những NCTN phạm các tội danh về xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người khác, hiện chưa được thực hiện nhất quán, do chưa có qui định cụ thể về “trường hợp cần thiết” để xét xử kín đối với NCTN…
“Bung xung” cho nạn bạo lực gia đình
Tình trạng bạo lực trong gia đình cũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Bởi nạn nhân trực tiếp và dễ bị tổn trương nhất là những đứa trẻ cho các gia đình đó. Những vụ bạo lực gia đình giữa người lớn đã khiến nhiều trẻ em trở thành “bung xung” hứng chịu những cơn giận, cơn ghen điên loạn của cha mẹ. Chúng bị đầu độc, bị vứt xuống sông, xuống giếng, bị đánh đập thành thương tật, bị bỏ rơi,… chỉ vì chưa có khả năng tự bảo vệ và cũng không được bảo vệ bằng những thiết chế đặc biệt, phù hợp, kịp thời.
Số NCTN là nạn nhân của những hành vi phạm tội, nhất là những tội phạm liên quan đến tình dục, của nạn bóc lột lao động (tại các bãi đào vàng, than thổ phỉ, khai khoáng, trong các đường dây “chăn dắt trẻ ăn xin”…) cũng ngày càng nhiều.
Những vụ án dân sự liên quan đến bố mẹ kiện con, con kiện bố mẹ liên quan đến đất đai, tài sản không phải là ít như tại Phú Thọ, vụ án mẹ kiện con vì cho rằng bị con cướp nhà đã kéo dài 5 năm mà chưa giải quyết được hay vụ án con kiện cha để đòi quyền thừa kế chính ngôi nhà của cha đẻ…
Thực trạng đó cho thấy, những vụ tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực hình sự, dân sự, HN&GĐ, lao động có đối tượng tác động là trẻ em đang là một trong những vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm để có giải pháp thích hợp vừa bảo vệ trẻ em vừa đảm bảo ổn định xã hội.
Cảm hóa… ngay từ phiên tòa
Đó là “hình ảnh” mà nhiều chuyên gia pháp lý muốn xây dựng cho Tòa NCTN. Bởi “TA NCTN sẽ là hình ảnh giáo dục, cảm hóa NCTN phạm tội hơn là một hình ảnh nghiêm khắc về sự trừng phạt của TA hình sự. Đồng thời cũng có thể phán quyết về các hình thức xử lý khác nhau như biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính với NCTN”.
Việc xử lý NCTN phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm và có thể tiếp tục phát triển lành mạnh là một trong những nguyên tắc ứng xử với NCTN vi phạm pháp luật. Khảo sát của TANDTC năm 2010 cho thấy có đến 91% số người được hỏi nhất trí về việc thành lập tòa chuyên trách về NCTN.
TS. Phan Thị Thanh Mai (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến NCTN cần phải có thủ tục và kỹ năng tố tụng đặc biệt, được thực hiện ở tòa chuyên trách với những thẩm phán chuyên giải quyết các vụ án có người tham gia tố tụng là NCTN nhằm hỗ trợ và bảo đảm quyền lợi cho NCTN, phòng ngừa họ tiếp tục phạm tội hay trở thành nạn nhân của tội phạm, có điều kiện tái hòa nhập xã hội.
Huy Anh
Ông Từ Văn Nhũ - Phó Chánh án TANDTC: “Quá cần thiết phải thành lập Tòa NCTN vì gần đây tội phạm là NCTN ngày càng nhiều, chưa kể NCTN là nạn nhân của ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Trong khi đó, mối quan hệ giữa NCTN và các thiết chế xã hội, gia đình còn đặt ra nhiều vấn đề vì dù đã triển khai nhiều chương trình, biện pháp bảo vệ trẻ em mà chưa làm được một cách thực sự. Việc thành lập Tòa HN&GĐ và Tòa NCTN là rất tốt, liên quan đến bước đi nhưng chưa phù hợp với điều kiện hiện nay. Bước đi đầu tiên là nên thành lập Tòa NCTN trước rồi mới thành lập Tòa HN&GĐ”.
TS.Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng VKSNDTC: “Nguyên nhân khiến cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm NCTN “còn hạn chế, hiệu quả không cao” một phần là từ những hạn chế của hệ thống tư pháp đối với NCTN. Dù thủ tục tố tụng xét xử đối với NCTN đã từng bước được hoàn thiện, nhưng chưa có TA chuyên biệt với trình tự, thủ tục tố tụng dành riêng cho NCTN là một hạn chế rất lớn trong việc xử lý NCTN phạm tội để họ có cơ hội sửa chữa sai lầm, trở thành những công dân có ích cho xã hội”. |