Tòa án hôn nhân gia đình: Không để HN&GĐ “lẫn” trong dân sự

31/10/2011
Giải quyết các tranh chấp trong gia đình hiện nay tại tòa án vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự thỏa đáng vì qui trình giải quyết các vụ việc gia đình cũng giống như giải quyết các vụ án dân sự khác, mà không được quan tâm đến những đặc thù trong quan hệ gia đình và việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong mối quan hệ này.

Chủ yếu giải quyết yêu cầu ly hôn

Theo số liệu của các cơ quan tư pháp, những năm gần đây, các vụ việc về HNGĐ ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Từ năm 2003 đến tháng 8/2006, tòa án cấp huyện và tỉnh thụ lý hơn 113.600 vụ về HNGĐ. Pháp luật hiện hành qui định những vụ án về HN&GĐ, bao gồm những vụ án liên quan đến quan hệ về hôn nhân, về trách nhiệm nuôi con sau ly hôn và việc phân chia tài sản của vợ chồng do Tòa Dân sự giải quyết.

Các vụ án về HN&GĐ thường là xuất phát từ quan hệ hôn nhân hoặc gia đình hoặc tính huyết thống, nuôi dưỡng được qui định trong Luật HN&GĐ. Nên trong quá trình giải quyết các vụ án về HN&GĐ, yếu tố tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc luôn “xuất hiện và có ý nghĩa quyết định” bên cạnh việc tuân thủ các qui định của pháp luật.

Tuy nhiên, hệ thống TA chưa có tòa chuyên trách giải quyết các vụ việc về HN&GĐ, mà giao chung vào thẩm quyền của Tòa Dân sự. Các thẩm phán và cán bộ TA cũng không được phân công chuyên trách thụ lý, giải quyết các vụ việc về HN&GĐ, mà phải kiêm nhiệm, thụ lý nhiều vụ việc dân sự khác nên chất lượng giải quyết các vụ việc về gia đình tại TA còn nhiều mặt hạn chế.

Trong điều kiện nền kinh tế xã hội phát triển và sự du nhập các giá trị mới, hiện đại từ bên ngoài khiến nền tảng gia đình truyền thống Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Nếu trong những năm chiến tranh hoặc những năm của thời kỳ bao cấp (những năm 1990 trở về trước), các vụ án tranh chấp liên quan đến HN&GĐ chiếm tỷ lệ nhỏ, thì từ những năm đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường (những năm 1990 đến nay), các vụ ly hôn có xu hướng gia tăng, nhất là trong giới trẻ ở thành thị và cả những người đã tròm trèm hoặc qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy”.

Các vụ tranh chấp xảy ra trong quan hệ HN&GĐ ở Việt Nam hiện được Tòa Dân sự giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nguyên nhân cơ bản khiến hệ thống TA chưa có tòa chuyên trách để giải quyết các vụ án HN&GĐ là những tranh chấp trong quan hệ HN&GĐ ở nước ta chủ yếu là giải quyết ly hôn. Kéo theo đó là các yêu cầu về phân chia tài sản vợ chồng (khi có tranh chấp). Trường hợp việc phân chia tài sản phức tạp giữa vợ chồng xin ly hôn thì Tòa thường tách riêng giải quyết trong vụ án dân sự khác.

Thực tế cho thấy, những vụ tranh chấp về tài sản khi ly hôn, tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân luôn là những vụ án phức tạp và chiếm số lượng lớn so với tổng số các vụ án HN&GĐ mà TAND các cấp thụ lý giải quyết.

Do đó, việc thành lập tòa gia đình cần phải được nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và đặc thù của từng quan hệ pháp luật cụ thể.

Cần tòa chuyên trách cho vấn đề HN&GĐ

Năm 2007, TANDTC đã trình UBTVQH về chủ trương thành lập Tòa HN&GĐ thuộc cơ cấu tổ chức của TANDTC và TAND cấp tỉnh và đã được đồng ý. Song chưa có sự thống nhất về lộ trình thực hiện. Mới đây nhất, TANDTC và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam một lần nữa đã đưa vấn đề thành lập tòa HN&GĐ để lấy ý kiến tham vấn cho chính sách này.

Mặc dù TANDTC lý giải về những “tiện ích” của việc thành lập Tòa HN&GĐ thuộc cơ cấu tổ chức của TANDTC và TAND cấp tỉnh là để “chuyên môn hóa công tác xét xử và đội ngũ Thẩm phán, cán bộ TA, bảo đảm cho công tác xét xử của TAND đúng pháp luật và chất lượng ngày càng cao”, mà không làm tăng biên chế vì “việc triển khai được tiến hành bằng cách tách Tòa Dân sự hiện hành thành hai tòa chuyên trách là Tòa Dân sự và Tòa HN&GĐ”.

Nhưng theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XII, hiện, các vụ việc HN&GĐ được xét xử sơ thẩm chủ yếu là ở TAND cấp huyện, nên nếu chỉ thành lập Tòa HN&GĐ ở TANDTC và TAND cấp tỉnh là chưa phù hợp với thực tiễn xét xử. Hơn nữa, vấn đề HN&GĐ có những đặc thù rất riêng, do vậy không thể chỉ đơn thuần tách Tòa Dân sự thành lập Tòa HN&GĐ là có thể đảm bảo sự “chuyên môn hóa” trong việc giải quyết các vấn đề về HN&GĐ ngay từ cấp sơ thẩm…

Việc thành lập Tòa HN&GĐ đã được xác định là cần thiết, tuy nhiên cần được giải quyết đồng bộ trong tiến trình cải cách tư pháp, chứ không đơn thuần là việc thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy trong hệ thống TAND./.

Huy Anh

TS.Phạm Quí Tỵ - Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Khi giải quyết các vụ án về HN&GĐ, yếu tố pháp lý và yếu tố tình cảm đan xen vào nhau giữa các bên trước, trong và sau quá trình giải quyết vụ án. Trong vụ án HN&GĐ về mặt pháp lý các bên đã được giải quyết dứt điểm, nhưng về đạo đức truyền thống của dân tộc các bên vẫn bị ràng buộc với nhau và có thể kéo dài suốt cả cuộc đời.

Yêu cầu bức thiết trong việc giải quyết các vụ án HN&GĐ là cần kiện toàn đội ngũ thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ án về HN&GĐ và thành lập tòa chuyên trách về HN&GĐ để “chuyên môn hóa” việc giải quyết các vấn đề HN&GĐ ngay từ cấp sơ thẩm”.

ThS.Trịnh Xuân Toản – Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Cải cách tư pháp (VP TƯ Đảng): “đặc thù của các vụ việc về HNGĐ là các vụ án thường xuất phát từ quan hệ hôn nhân hoặc gia đình mang tính huyết thống nên khi giải quyết vừa phải tuân thủ pháp luật, vừa chú ý đến yếu tố tình cảm, đạo đức truyền thống. Quá trình giải quyết đòi hỏi phải kiên trì, kỹ năng chuyên biệt nên cần có TA gia đình và NCTN để giải quyết”.

GS.TS.Đỗ Ngọc Quang (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, chiến lược và phát triển): “Xu hướng các vụ việc tranh chấp trong HN&GĐ yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn ngày càng nhiều, nhất là ở các vùng đô thị và xảy ra phố biển ở những cặp vợ, chồng trẻ tuổi. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ liên quan đến việc có nên thành lập tòa chuyên trách để giải quyết vấn đề HN&GĐ hay không”.