Phòng ngừa phải từ ý thức
Thảo luận về các báo cáo công tác nêu trên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ sự lo lắng về những bất ổn trong tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp trong thời gian qua, đặc biệt là sự gia tăng tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề xuất cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, để hạn chế đến mức tối đa tình trạng phạm tội do thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ với pháp luật. ĐB Khá cũng nhất trí với một số ý kiến thảo luận trước đó đề nghị sửa đổi BLHS, tăng hình phạt đối với tội phạm vị thành niên.
Cùng nhận định với ĐB Khá, ĐB Phạm Thị Hồng Toại (Bạc Liêu) đề nghị cần đánh giá khách quan, đầy đủ hơn về công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là các phong trào phòng chống tội phạm, xây dựng khu dân cư văn hóa… ở cơ sở. “Phòng ngừa tội phạm trước hết phải từ ý thức” - ĐB nhấn mạnh
ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) sau khi nêu bật vai trò của hòa giải cơ sở trong giải quyết các tranh chấp của ngành Tòa án đã đề nghị “Mặt trật tổ quốc các cấp phối hợp với các đoàn thể địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở, để hạn chế lượng việc dồn đến Tòa án”
Đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) cho rằng báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ tuy đã đề cập đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều mặt chưa được làm rõ. “Cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể nhân dân. Công tác tuyên truyền chưa có chiều sâu khiến nhiều người vẫn vi phạm. Sức mạnh của hệ thống chính quyền chưa ổn, có nhiều vụ việc xảy ra ngay trên địa bàn mà chính quyền không biết. Sức tấn công tội phạm của các lực lượng chức năng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm”, ĐB này nói.
Đầu tư cho con người phải được ưu tiên
Khơi mào về những bất cập trong chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức cấp cơ sở, ý kiến của ĐB Khá được ĐB Huỳnh Văn Tịnh (Tiền Giang) phân tích rõ hơn: cơ sở hiện còn tồn tại nhiều vấn đề, kinh phí mỏng, phối hợp chưa tốt, nhất là phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc ở cơ sở chưa thường xuyên, liên tục. “Cần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an cơ sở, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đồng thời có cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm, người thi hành công vụ”.
ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) bổ sung: phải nhân rộng các mô hình điểm trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Phân tích những bất hợp lý trong công tác xét xử hiện nay, ĐB Trương Thái Hiền nhấn mạnh đến nguồn nhân lực của ngành Tòa án. Theo tính toán của ĐB này, mỗi tháng một thẩm phán phải xét xử tới 7 vụ, như vậy là nhiều. ĐB Hiền cho rằng chế độ cho thẩm phán hiện nay còn chưa hợp lý. Công tác đào tạo thẩm phán thì “lực lượng trẻ không đủ lấp vào chỗ trống những người nghỉ hưu, cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho ngành còn nhiều hạn chế”. Cũng tương tự là chế độ cho hội thẩm nhân dân cần sớm được cải thiện.
Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến đại biểu đề nghị Nhà nước phải tăng cường cả về nhân lực, phương tiện, thiết bị cho các cơ quan tư pháp, đặc biệt lực lượng phòng chống tội phạm. Mặt khác, để đối phó với các thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, bản thân lực lượng làm công tác chống tội phạm phải tăng cường năng lực, trình độ của mình.
Thu Hằng
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội:
Trước mắt tình hình kinh tế của chúng ta vẫn chưa đạt được sự ổn định thì công bố vùng là hợp lý vì các vùng cũng có sự cách biệt nhất định chứ không thể nào nông thôn đồng bằng là như nhau. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có quy định việc nhà nước sẽ công bố lương tối thiểu vùng và chia ra khoảng 2 -3 vùng. Tôi nghĩ như vậy cũng không nhiều lắm nhưng chúng tôi đang khuyến khích công bố lương tối thiểu ngành vì thực ra đa số là chúng ta chỉ rơi vào ngành yếu thế đặc biệt ngành sử dụng nhiều lao động lương thấp, thu nhập thấp như da giầy, dệt may… còn khu vực sử dụng lao động công nghệ kỹ thuật cao người ta lương cao không cần đến công bố lương tối thiểu của Chính phủ.
- Vấn đề là tăng lương sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách?
Tôi nghĩ rằng gánh nặng ngân sách phải chấp nhận vì cán bộ công chức người lao động phải có lương tối thiểu để đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu và người ta mới có thể lao động được dù ngân sách có thể dùng đến mức đó chúng ta vẫn phải ưu tiên ngân sách để giải quyết vấn đề này. Kể cả doanh nghiệp cũng vậy nếu doanh nghiệp có hàng ngàn lao động người ta cũng chịu áp lực khi mà chúng ta công bố lương tối thiểu sớm hơn thời hạn nhưng mà cũng phải chấp nhận và phải có vận động khuyến khích để giải quyết vấn đề này bởi vì người lao động và công chức mà mức lương không thể đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của mình rất là khó khăn.
- Tới đây, cán bộ nghỉ hưu tăng lương thế nào?
Năm sau Luật Bảo hiểm xã hội cũng sẽ sửa đổi, chính sách quan trọng nhất trong Luật là chính sách hưu trí mà sau khi sửa đổi chính sách này sẽ mang tính chất dài hạn hơn, đồng bộ hơn. Cần xem xét lại chính sách hưu trí bởi nó là trụ cột an sinh xã hội số một cho người lao động đến độ tuổi không còn lao động được nữa sẽ có thu nhập để sống ổn định. |