Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo

25/10/2011
Sáng nay - 25/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo với nhiều vấn đề liên quan đến chủ thể thực hiện tố cáo, bảo vệ người tố cáo, người bị tố cáo và cả người giải quyết tố cáo, xử lý tố cáo nặc danh, hình thức tố cáo….

Bảo vệ người tố cáo để… “có sự thật”

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh: “Bảo vệ người tố cáo là để tránh cho họ không bị trù dập, bảo vệ người bị tố cáo để tránh oan sai”. Nhưng hiện dự thảo Luật mới dừng ở các qui định “bảo vệ người tố cáo”, mà chưa đề cập đến việc bảo vệ cho 2 chủ thể cũng rất quan trọng trong mối quan hệ này là người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo.

Nhiều qui định của dự thảo Luật tuy tiến bộ, song đã “le lói” cho thấy những “đường hầm” để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền “né” việc, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong giải quyết tố cáo và yêu cầu của người tố cáo. Đơn cử như qui định về trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

Mặc dù dành cho người tố cáo quyền yêu cầu được bảo vệ, nhưng dự thảo Luật đã “quên” chỉ rõ “cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này của người tố cáo. Cũng như chưa có qui định để “xác định là cơ quan nào là cơ quan đầu tiên tiếp nhận tố cáo, cơ quan nào chủ trì việc phối hợp giải quyết tố cáo, nên khó tránh được tình trạng không cơ quan nào đứng ra “gánh vác trọng trách”... như nhận xét của ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên).

Nên theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cần cho người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo áp dụng các biện pháp bảo vệ để “người tố cáo không phải đi tìm người bảo vệ mình”. Thậm chí như ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng), “cần khẳng định trong luật, phải bảo vệ tốt người tố cáo cho dù người tố cáo có yêu cầu hay không. Việc này giúp quyền bảo vệ của người tố cáo được thực hiện tốt, tránh sự đùn đẩy, né tránh của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ hoặc khi xảy ra sơ suất lại xảy ra tình trạng đổ trách nhiệm cho nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo”.

Cũng như người tố cáo, người giải quyết tố cáo cũng có thể bị trù dập, trả thù, nên nhiều ĐB đã kiến nghị bổ sung qui định bảo vệ chủ thể này khi họ bị đe dọa do thực hiện giải quyết tố cáo. “Nếu không sẽ càng khiến cho việc tố cáo bị “rơi vào im lặng” hoặc bị chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia”.

Ở khía cạnh khác của mối quan hệ này, ĐBQH còn lưu ý đến quyền và sự an toàn của người bị tố cáo. Bởi người bị tố cáo luôn ở vào thế bị động và cũng không phải tố cáo nào cũng đúng sự thật. Nên nếu dành 60-90 ngày để giải quyết tố cáo như điều 21 của dự thảo Luật mà chưa biết nội dung tố cáo là đúng hay sai thì sẽ gây thiệt hại không nhỏ đến công tác cán bộ của cơ quan, tổ chức có người bị tố cáo. Do vậy, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đã kiến nghị việc rút ngắn thời hạn này.

Xung quanh người tố cáo còn có người cung cấp thông tin, hỗ trợ người tố cáo, người nắm giữ các thông tin, tài liệu quan trọng (làm chứng cứ cho nội dung tố cáo…). ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận thấy, phải bảo vệ cả những người này thì mới đảm bảo cho quyền tố cáo được thực hiện đúng. Mặt khác, cần bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ tốt hơn nữa người tố cáo.

Lưu ý đến giá trị thông tin trong tố cáo nặc danh

Nhiều ĐBQH đã tán thành việc dự thảo Luật “cương quyết” không tiếp nhận và giải quyết đối với “tố cáo nặc danh”. Thậm chí đề nghị cần quy định rõ trong luật là không tiếp nhận và giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ. Đề nghị bổ sung thêm khoản 3 Điều 19: “Không xem xét và giải quyết đối với những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký”.

Bởi vì, việc quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Mặt khác, bên cạnh những trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.

 Nhưng không ít ĐB lại nhận thấy vẫn cần có cơ chế để xem xét, xử lý đối với những tố cáo nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, rõ ràng.  Vì thực tế hiện nay do cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta còn chưa hiệu quả nên chưa khuyến khích được công dân mạnh dạn đấu tranh một cách công khai, trực diện với những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội.

Theo ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình), nhiều người tố cáo nặc danh vì lo sợ cho người thân, hoặc người bị tố cáo không bị xử lý, vẫn là thủ trưởng cơ quan sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bản thân người tố cáo… “Nếu bỏ qua, không xem xét các thông tin tố cáo từ nguồn này thì có khả năng sẽ bỏ lọt hoặc xử lý không kịp thời đối với nhiều hành vi vi phạm pháp luật” – nhiều ĐB nhận định.

Do đó, đã có ý kiến đề nghị quy định người tố cáo có quyền ghi hoặc không ghi họ, tên, địa chỉ của mình để khuyến khích tố cáo và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật nhất là trong điều kiện tham nhũng đang là nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Các ĐB cũng rất quan tâm đến hình thức tố cáo. Theo khoản 1 Điều 19, chỉ chấp nhận hình thức tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo qua bưu điện. Trong khi ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) kiến nghị cần chấp nhận cả các hình thức tố cáo khác như fax, thư điện tử để phù hợp với sự phát triển của thực tế, thì một số ĐB lại không đồng tình vì cho rằng, các hình thức đó sẽ “tiếp tay” cho việc tố cáo nặc danh, tố cáo đến nhiều cơ quan… gây phức tạp tình hình, nhất là trước các sự kiện chính trị quan trọng. ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) còn cho rằng, các hình thức tố cáo qua điện tử, fax, điện thoại… “hiệu quả chưa thấy nhưng tác hại là không lường trước được” nên không tán thành cho phép tố cáo bằng các hình thức này...

Theo chương trình, dự thảo Luật Tố cáo sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (tháng 11)./.

H.Giang