Quốc hội thảo luận dự án Luật Khiếu nại: Cần có quy định từ chối tiếp dân

25/10/2011
Thảo luận về dự án Luật Khiếu nại tại hội trường chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần bổ sung các quy định về từ chối tiếp dân, để bớt đi “gánh nặng” cho cán bộ tiếp dân.

Cần có quy trình riêng cho khiếu nại nhiều người

Thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp đã và đang xảy ra trên thực tế không thể không quy định nhưng quy định thế nào, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý “cần phải cân nhắc kỹ”.

Dự thảo Luật mới đã bổ sung một số quy định về các trường hợp khiếu nại nhiều người (trong đó có các hình thức khiếu nại như nhiều người khiếu nại thông qua đơn, nhiều người đến khiếu nại trực tiếp, địa điểm để công dân khiếu nại nhiều người…). Trình tự thủ tục giải quyết đối với khiếu nại nhiều người vẫn tuân theo trình tự, thủ tục chung như với khiếu nại từng người.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) ủng hộ phải có quy định về khiếu nại nhiều người nhưng đề nghị làm rõ khái niệm nhiều là bao nhiêu để tránh làm phức tạp tình hình. “Khiếu nại nhiều người không thể giống quy trình của khiếu nại đơn lẻ mà phải có quy trình riêng”, ông Tâm nhấn mạnh.

Cho rằng, khiếu nại đông người là thực tế “không thể né tránh” ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) gợi ý, Luật nên quy định theo hướng nếu nhiều người cùng tố cáo một nội dung thì hướng dẫn họ làm đơn, còn nếu mỗi người một nội dung khác nhau thì cũng cần hướng dẫn họ làm đơn riêng lẻ.

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) bổ sung: khiếu nại nhiều người mà mỗi người một nội dung khác nhau thì cơ quan nhà nước cũng cần có văn bản trả lời từng trường hợp, tránh tình trạng khi đi khiếu nại thì huy động nhiều người để gây áp lực.

Để giảm bớt gánh nặng cho cán bộ tiếp dân, Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đề nghị cần bổ sung quy định về từ chối tiếp dân. “Thực tế tiếp dân cho thấy nhiều công dân khiếu nại đến trụ sở cơ quan nhà nước nhiều lần, dù đã được xem xét, giải quyết bằng văn bản. Có vụ, chính quyền từ chối tiếp nhưng HĐND hay Đoàn Đại biểu QH vẫn tiếp”, ĐB Sinh nói Nhiều đại biểu đồng tình với ĐB Sinh đề nghị phải có cơ chế để chấm dứt khiếu nại kéo dài.

Rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại

Về thời hạn giải quyết khiếu nại, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu từ 30 ngày xuống còn 15 ngày, lần hai từ 45 ngày xuống còn 30 ngày.

Một số ĐBQH tỏ ra chưa đồng tình với quy định này, bởi lẽ hiện nay, đơn thư khiếu nại nhiều, nhiều trường hợp phức tạp, cán bộ tiếp dân mỏng… nếu rút ngắn sẽ tạo áp lực lên các cơ quan có thẩm quyền. Một số đồng ý rút ngắn nhưng chỉ rút từ 30 xuống 20 ngày thay như đề nghị của dự thảo là 15. Số khác đề nghị cần quy định rõ như thế nào là trường hợp phức tạp thì được kéo dài hơn thời hạn giải quyết.

Cũng liên quan đến thời hạn giải quyết khiếu nại, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) không đồng tình với quy định công dân phải khiếu nại đến cơ quan người có quyết định, hành vi hành chính. “Tại sao lại lý giải điều đó giúp người ban hành quyết định hành chính có cơ hội sửa chữa. Tại sao anh không cẩn thận trước khi ra quyết định hành chính mà chờ ban hành rồi mới sửa sai?” Ông Độ đề nghị khi công dân cần khiếu nại thì khiếu nại lên cấp trên có thẩm quyền. Như vậy mới có thể rút ngắn thời gian khiếu nại

Thu Hằng

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật khiếu nại đã bổ sung  quy định về việc tổ chức đối thoại vào quy trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu việc khiếu nại và kết quả xác minh kết luận nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại.

Bên hành lang kỳ họp:

Về phương án thay đổi giờ làm: Hà Nội còn đang nghiên cứu

Trước phương án thay đổi giờ làm để tránh tắc đường mà một số báo chí đưa tin “chuẩn bị áp dụng”, hôm qua 24/10, bên hành lang Quốc hội Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Phải xem thay đổi giờ làm sẽ phát sinh vấn đề gì

Việc thay đổi giờ làm, Hà Nội vẫn đang cùng với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu. Vấn đề không phải là nói mà làm ngay vì phải nghe ý kiến phản biện, điều tra dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến các cơ quan liên quan mà không phải chỉ có ngành giao thông. Phải xem nếu thực hiện thay đổi giờ làm thì hiệu quả như thế nào, phát sinh những vấn đề gì. Tôi không nói là không nên hay làm ngay mà phải tiếp tục nghiên cứu. Chính phủ yêu cầu quý I/2012 sẽ trình đề án về giao thông, nếu đủ căn cứ mà trình sớm là tốt nhưng chưa vững chắc thì phải xem xét.

Trước mắt, cải thiện tắc đường ở Hà Nội phải tăng cường hạ tầng giao thông, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật là có những chế tài đủ mạnh, ví dụ như nâng mức phạt với các hành vi vi phạm giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: “Bộ và Hà Nội đang thống nhất phương án…”

Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội đang cố gắng thống nhất phương án thay đổi giờ làm, giờ học để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Tôi nói rõ là việc thay đổi giờ làm, giờ học phải do Thủ tướng Chính phủ quyết chứ không phải Bộ GTVT. Quan điểm của tôi điều chỉnh giờ học, giờ đi làm là giải pháp tiên quyết. Tôi cho rằng các cơ quan của Hà Nội, của Trung ương có thể bắt đầu làm việc từ 9h sáng đến 6h tối là phù hợp để tránh được những giờ cao điểm như hiện nay.

Còn chuyện cán bộ Bộ GTVT có đi xe bus (một trong những biện pháp trước mắt hạn chế ùn tắc giao thông - PV) hay không, mình chỉ vận động, còn quyền đi hay không là của người ta…

Bình An