Dự toán ngân sách nhà nước 2012: Ưu tiên chi đầu tư cho con người

24/10/2011
Hôm nay (24/10), theo chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011 và dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2012.

Vẫn bình quân, dàn trải và thiếu tập trung

Đánh giá chung về tình hình thu NSNN năm 2011, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển biến dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước song chưa nhiều. Qua thực hiện giai đoạn 2006-2010 và năm 2011 cho thấy, chính sách thu hiện hành còn nhiều bất cập về: mức huy động, về chính sách ưu tiên và miễn, giảm, còn lồng ghép nhiều chính sách xã hội làm giảm tính trung lập của thuế. Cơ cấu nguồn thu chưa vững chắc, chưa đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế trong tình hình mới.

Qua giám sát thực tế cũng cho thấy, tình trạng trốn lậu thuế, thất thu NSNN vẫn diễn ra khá phổ biến, ở các mức độ khác nhau, công tác quản lý thu thuế tuy có nhiều tiến bộ, song vẫn còn bất cập so với yêu cầu quản lý hành thu NSNN. Mặc dù Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (ngoài phần tiết kiệm 10% dự toán từ đầu năm), nhưng tổng số chi NSNN vẫn vượt dự toán 9,7% (70.400 tỷ đồng). Đây là mức tăng khá lớn, chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn chung, về chính sách chi NSNN năm 2011 chưa thay đổi tích cực về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế; tình trạng bình quân, dàn trải, chia cắt và thiếu tập trung vẫn chưa được cải thiện; công tác xã hội hóa còn hạn chế, gánh nặng NSNN ngày một gia tăng. Việc thực hiện chính sách chi chưa chặt chẽ, chi NSNN tăng khá cao so với dự toán chưa góp phần vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực trạng trên là do hiệu lực quản lý, điều hành NSNN chưa nghiêm, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ.

Nhất trí với phương án bố trí 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu NSTW để giảm bội chi NSNN năm 2011, đưa xuống mức 111.500 tỷ đồng, tương đương 4,9%GDP, giảm 0,4% so với dự toán đầu năm, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS và đánh giá việc Chính phủ phấn đấu giảm bội chi như trên thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong quản lý và điều hành NSNN. Đồng thời đây cũng là mức giảm khá (0,4% so với dự toán), tạo cơ sở cho việc giảm bội chi theo lộ trình và hạ dần mức nợ công. Mặt khác việc bố trí tăng chi trả nợ năm 2011 (15.000 tỷ đồng) cũng có thể coi như gián tiếp giảm bội chi. Vì vậy, nhất trí với phương án Chính phủ trình.

Tăng thu NSNN năm 2012 cao hơn

Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát lại các nguồn thu, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tăng cường chống chuyển giá, chống thất thu trong khu vực DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong quản lý đất đai, tài nguyên, xem xét lại chính sách thu từ đất và có kế hoạch lập dự toán thu từ đất sát với thực tế từng năm, tránh tình trạng vượt dự toán quá lớn, xem xét lại các khoản thu đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước… nhằm phấn đấu tăng thu cao hơn.

Ủy ban TCNS nhất trí với Chính phủ về việc phải cơ cấu lại chi NSNN theo hướng: ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện chính sách an sinh xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả của chi đầu tư phát triển; tiếp tục thực hiện giảm chi tiêu công ở mức hợp lý để góp phần kiềm chế lạm phát, phấn đấu đưa lạm phát về mức một con số như mục tiêu đề ra.

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi, việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 phải được sắp xếp theo một trật tự ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội, quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp ở 3 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đồng thời, bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa các công trình mới; tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công trên cơ sở các tiêu chí cụ thể để đánh giá, chọn lọc hiệu quả; quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tỉnh có khả năng bứt phá để tự cân đối ngân sách.

 H.Giang

Các khoản mục chi lớn của NSNN năm 2012, cụ thể là:

Dự kiến bố trí 180.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, tăng 18,4% so với dự toán năm 2011, chiếm 19,9% tổng chi ngân sách nhà nước.

Dự toán chi thường xuyên năm 2012 (đã bao gồm chi thực hiện điều chỉnh tiền lương theo mức lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng đủ 12 tháng) tuy có tăng so với năm 2011 là 15,5% nhưng so với tỷ lệ lạm phát thì không cao. Có phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1.050 nghìn đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%.

Mức bội chi NSNN 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.

Dư nợ Chính phủ đến cuối năm 2012 ước khoảng 46,1% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia ước khoảng 44,2%GDP; dư nợ công ước khoảng 58,4%GDP.