Khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng để phát triển

21/10/2011
Sáng qua (20/10), kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến tình hình, định hướng phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chiến lược phát triển, cho ý kiến và thông qua nhiều đạo luật,... Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, “năm 2011 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011). Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình trong nước và quốc tế tiếp tục xuất hiện những khó khăn, thách thức mới…

Bối cảnh tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả tốt hơn trong những tháng cuối năm 2011, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2012 và những năm tiếp theo”.

Chủ tịch cũng cho biết, kế thừa, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội các khóa trước đây, ngay sau kỳ họp thứ nhất, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và thống nhất một số nội dung báo cáo Quốc hội cho thực hiện ngay từ kỳ họp thứ hai này.

Ngay sau lễ khai mạc, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015”.

Theo Báo cáo của Chính phủ, bước vào năm 2011, với những chính sách kịp thời, đúng đắn, thể hiện bước tiến mới trong tư duy phát triển và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên tình hình kinh tế xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh vẫn không ngừng phát triển. Trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách, nhưng kinh tế tăng trưởng liên tục, quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 6%...

Đặc biệt, dù giá cả thị trường tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, nhưng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chi ngân sách nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước tăng 20% so với năm 2010. Cả năm, ước tạo được 1,54 triệu việc làm mới. Cải cách hành chính đạt những kết quả thiết thực, phòng chống tham nhũng cũng đạt được những kết quả cụ thể…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận còn nhiều yếu kém, bất cập. Một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 chưa hoàn thành, kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao…

Hương Giang

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới

“Chính phủ đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, gồm: Tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; Tiếp tục chăm lo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; Tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chúng ta đang phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ còn lại của năm 2011, năm phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức rất nặng nề. Bước sang năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị phải đồng tâm hiệp lực với quyết tâm, tinh thần đổi mới và năng lực sáng tạo cao nhất. Các cấp các ngành các đơn vị phải khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 ngay sau khi được Quốc hội thông qua; lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch năm 2012 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra”.

 

Cùng ngày, Quốc hội đã nghe tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về Qui hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia; Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2011, dự toan NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2012; Kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010, triển khai kế hoạch năm 2011 và đề xuất danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch trái phiếu 5 năm 2011-2015.

 

Bên hành lang Quốc hội

Ông Triệu Là Phàm (ĐBQH tỉnh Hà Giang): ”Tôi muốn đem đến Quốc hội tiếng nói, ý nguyện của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Từ đó mong Đảng, Chính phủ và Quốc hội có những giải pháp phù hợp hơn để phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, nhất là kinh tế nông lâm nghiệp, giúp người dân miền núi có thể ”sống được và làm giàu nhờ rừng”, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo, tăng cường các biện pháp xóa đói giảm nghèo và thoát nghèo bền vững”.

Ông Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng): ”Cử tri quan tâm đến rất nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là chủ quyền biển đảo, giá cả, phát triển kinh tế nông thôn, chính sách cho người có công... và mong muốn Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược để giải quyết những vấn đề này. Tôi cũng rất phấn khởi khi Quốc hội sẽ thực hiện nhiều biện pháp đổi mới từ kỳ họp thứ hai để tăng cường hiệu quả và chất lượng các kỳ họp Quốc hội”.