Phòng chống tham nhũng: Bí thư Tỉnh ủy sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo

17/10/2011
Ngày 14/10, trước khi kết thúc phiên họp thứ ba, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)  và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011

Chưa rõ cơ sở

Báo cáo về công tác PCTN năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đánh giá: công tác này đã có những chuyển biến nhưng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. “Tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, số vụ bị phát hiện chưa tương xứng với tình hình tham nhũng hiện nay”, ông Tranh nhấn mạnh

Uỷ ban Tư pháp cơ bản đồng ý nhận định nói trên, tuy nhiên cho rằng nhiều điểm trong báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ, nhất là việc kiến nghị thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng, nhiều ha đất nhưng kết quả thực hiện như thế nào; hiệu quả của các Ban chỉ đạo PCTN, các cơ quan chuyên trách PCTN ra sao…

Đáng chú ý, tại phiên họp Chính phủ đề xuất cho thí điểm Trưởng ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh là Bí thư Tỉnh ủy hoặc chủ tịch HĐND (thay vì Chủ tịch UBND tỉnh như hiện nay).

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ giải trình rõ cơ sở của đề xuất nói trên.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: qua khảo sát ở một số địa phương, có đến 40-50% tỉnh đề xuất nói trên vì sẽ tách khỏi hoạt động quản lý điều hành của nhà nước. “Theo Luật PCTN thì đề xuất này là trái. Chúng tôi cũng đã báo cáo Chủ tịch nước. Chủ tịch nói việc này chưa làm được ngay mà phải báo cáo ra UBTVQH”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn không đồng ý: hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo chưa được đánh giá, tổng kết toàn diện về mọi mặt, căn cứ vào đâu mà đề xuất thí điểm. “Vấn đề này phải có tờ trình riêng thì thường vụ mới có thể xem xét”. Chủ tịch nói.

Nhiều ủy viên UBTV tỏ rõ sự chưa yên tâm đề nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề. Riêng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì rất nghi ngại về kết quả xử lý tội phạm tham nhũng cũng như số tiền phát hiện còn rất khiêm tốn (phát hiện trên 11 ngàn tỷ, nộp ngân sách trên 300 tỷ, chỉ chiếm khoảng 2,6%).

Còn nhiều lãng phí

Thẩm tra sơ bộ việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2011, Ủy ban Tài chính- ngân sách đánh giá đã đạt nhiều kết quả tuy nhiên, Ủy ban này cũng chỉ rõ:  “Tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ chậm thu hồi; chi vượt định mức, tiêu chuẩn, dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục”. Trong mua sắm tài sản công cũng “còn có hiện tượng mua sắm vượt tiêu chuẩn, trang bị thiếu đồng bộ dẫn đến mua về không sử dụng được”.

Đặc biệt, vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển theo Ủy ban Tài chính – ngân sách “vẫn là vấn đề nhức nhối, còn nhiều thất thoát, lãng phí và khắc phục chậm”. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho thấy, hiện tượng vi phạm pháp luật, lãng phí đã và đang tồn tại ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư từ lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư,…đến quyết toán công trình.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai vẫn là điểm nóng song việc khắc phục còn rất chậm. Trong khi các Khu Công nghiệp hiện có chưa lấp đầy thì một số địa phương tiếp tục mở rộng Khu Công nghiệp trên đất trồng lúa; tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn diễn ra phức tạp, gây nhiều khiếu kiện.

Ủy ban Tài chính- ngân sách đề nghị tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đặc biệt chú trọng lĩnh vực đầu tư phát triển, lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản; lĩnh vực sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước.

Thu Hằng

Năm 2011 có khoảng 500 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân đang đứng trước khó khăn, không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương đã gây lãng phí lớn cho xã hội.