Chiều qua 12/10, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Luật xử lý vi phạm hành chính.
“Thả” người bán dâm: chưa yên tâm
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật XLVPHC có hai loại ý kiến về việc bỏ hay không bỏ quy định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với đối tượng là người bán dâm. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần tiếp tục duy trì biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Nếu dự thảo Luật bỏ quy định này thì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay.
Tuy nhiên, ý kiến khác đề nghị bỏ quy định nói trên vì việc áp dụng biện pháp này thực chất là xử lý về nhân thân chứ không phải là bắt buộc chữa bệnh đối với người bán dâm có bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mục đích của việc áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là cách ly họ khỏi cộng đồng, buộc họ lao động, học văn hóa, chữa bệnh, học nghề, song về bản chất vẫn có phần hạn chế quyền tự do của công dân. Quy định này được đánh giá là quá nghiêm khắc.
Thực tiễn cho thấy mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế, xã hội thông qua các hình thức lao động hướng nghiệp, dạy nghề thì mới đạt hiệu quả thật sự. Do đó, Chính phủ đề xuất bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm.
Nhiều Ủy viên UBTVQH tỏ ý kiến đồng tình cao với quy định này, tuy nhiên Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng thì chưa yên tâm “Người bán dâm mà thả ra ngay sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Đáng lo nhất là nguy cơ truyền bệnh, nhất là lây nhiễm HIV”. Phó Chủ tịch cho rằng “Thực sự đây là cả vấn đề cần nghiên cứu kỹ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ rõ sự băn khoăn: biết người bán dâm có HIV mà thả họ ra, không có biện pháp chữa bệnh cho họ thì rất nguy hiểm. “Phải có biện pháp giải quyết câu chuyện này” - Chủ tịch nói.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp thu các ý kiến nói trên và cho rằng: vấn đề làm sao biết có bệnh hay không có bệnh “nên có cơ chế khám bệnh cho người bán dâm, nếu có bệnh bắt buộc phải chữa”, Bộ trưởng nói.
Phạt nặng là phù hợp
3 lĩnh vực được Chính phủ đề xuất phạt cao hơn (nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm) là giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị đối với khu vực nội thành của các TP trực thuộc TW.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đồng tình cao với quy định phải phạt cao hơn. Ông nhấn mạnh: xử phạt không chỉ đơn thuần căn cứ vào hành vi vi phạm mà còn phụ thuộc vào không gian, thời gian, địa điểm và “phạt cao hơn cũng là phù hợp thực tiễn”.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội KSo Phước đề xuất thêm “nên có quy định mức phạt tối đa, tối thiểu và giao HĐND quyết định trong phạm vi luật cho phép”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ nhưng gợi ý “có thể giao cho HĐND quy định luôn cũng được, nhưng cần quy định khung, mức phạt cho rõ”.
Vấn đề này, Ủy ban Pháp luật cũng thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ và lưu ý cần có quy định nâng mức phạt tiền cao nhất theo mức đã quy định trong một số văn bản luật mà Quốc hội đã ban hành.
Thu Hằng
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và cho rằng, đối với người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhiều lần thì có thể bị xử lý theo các biện pháp khác.
Cũng có ý kiến đề nghị vẫn nên tiếp tục áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Tuy nhiên, cần cải tiến, nâng cấp cơ sở chữa bệnh; tạo chính sách việc làm ổn định cho người không có công ăn, việc làm sau khi hết thời gian áp dụng biện pháp này, giúp họ trở thành người lương thiện; mặt khác phải có biện pháp quản lý, giáo dục hữu hiệu. |