ĐBQH cần có đủ bản lĩnh
Cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm đều đánh giá cao hiệu quả hoạt động của QH khóa XII và hy vọng QH khóa XIII tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, vẫn còn một số ĐBQH khóa XII còn chưa thực hiện được lời hứa, ít tiếp xúc cử tri. Do vậy, cử tri đề nghị ĐBQH khóa XIII cần thực hiện đúng chương trình hành động, dành thời gian tiếp dân, nghe ý kiến của cử tri và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đủ bản lĩnh để giải quyết các vấn đề của cử tri. Cử tri Nguyễn Phú Nho (p.Vĩnh Phúc – q.Ba Đình) bày tỏ mong muốn, ĐBQH khóa XIII “nói đi đôi với làm” và đề nghị QH giám sát chặt chẽ việc này.
Gửi đến các ĐBQH Thành phố những băn khoăn về các vấn đề như dự án để đất lãng phí, không triển khai; quy hoạch và phát triển đô thị; sự thiếu đồng bộ trong phát triển giao thông và hệ thống ngầm; lo ngại về tình hình lạm phát…, cử tri quận Ba Đình cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đến các giá trị mà người dân được hưởng khi GDP tăng. Theo đó, “vấn đề môi trường, quyền lợi của dân và an sinh xã hội phải được đảm bảo song song với sự tăng trưởng của GDP” – như kiến nghị của cử tri Tôn Thanh Hiền (p.Ngọc Khánh – q.Ba Đình).
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cử tri Đặng Ngọc Tỉnh (p.Cửa Nam – q.Hoàn Kiếm) cho rằng, chúng ta đã xây dựng tuyến biên giới an ninh quốc phòng trên đất liền và có lực lượng bảo vệ rất vững chắc nhưng đối với biển Đông thì vẫn chưa thể yên tâm, nên đề nghị: cần thường xuyên kiểm tra giám sát vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bảo vệ một vùng biển rộng lớn như vậy mà chỉ dựa vào lực lượng biên phòng, hải quân và cảnh sát biển là chưa đủ mà phải xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, quần chúng nhân dân cần trở thành tai mắt của chính quyền trong việc bảo vệ biển đảo.
Theo ông Tỉnh, cần đầu tư thích đáng cho ngư dân, có ưu đãi đặc biệt như những vùng đặc thù kinh tế của Việt Nam, để người dân có thể yên tâm bám biển và khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Đồng quan điểm, cử tri Thái Văn Bền (p.Đồng Xuân – q.Hoàn Kiếm) cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần có thông tin chính thức đến người dân để nhân dân yên tâm vì “chỉ có công khai thông tin để người dân hiểu mới có hành động đúng, mới đoàn kết toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Dân chủ phải gắn với kỷ luật
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thành công của kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XIII vừa qua sẽ tạo khí thế quyết tâm mới, tạo đà cho QH tiếp tục phát huy hiệu quả, thực sự là cơ quan của dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. QH khóa XIII sẽ tiếp tục hoạt động theo quy chế tập trung, dân chủ, “không phải là dân chủ hình thức, mà dân chủ phải gắn với kỷ luật, không thể nhấn mạnh một phía tập trung hay dân chủ, dễ phiến diện và phải trả giá” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý.
Tán thành ý kiến của cử tri về trách nhiệm của ĐBQH “hứa là phải làm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tiếp xúc cử tri, ĐBQH phải giải trình rõ ràng và báo kết quả việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, không chỉ “nghe xong rồi về”. QH cũng đã thống nhất, sau mỗi phiên chất vấn sẽ tổng hợp, ghi biên bản rồi gửi lại những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm, yêu cầu kiểm điểm, trả lời cho tất cả các ĐBQH. Tại các phiên chất vấn sau, phải báo cáo kết quả thực hiện “lời hứa”, rồi mới tiếp tục trả lời chất vấn.
Nhấn mạnh đến “trách nhiệm lắng nghe” của ĐBQH, Tổng bí thư cho rằng, lắng nghe cử tri để tổ chức hoạt động của Quốc hội tốt hơn, cũng như ban hành các Luật định, pháp lệnh, văn bản hợp với lòng dân. Đồng thời, ĐBQH phải cố gắng làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phải nắm vững và thực hiện đúng quy chế, quy trình luật định.
Chia sẻ với những bức xúc, kiến nghị của cử tri về các vấn đề kinh tế xã hội, Tổng bí thư đã phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và nhấn mạnh, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, “không phải ngày một ngày hai mà làm được, mà đòi hỏi sự thống nhất, đoàn kết từ TƯ đến địa phương, Nhà nước và nhân cùng thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được thực hiện đi vào chiều sâu, trong đó cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, không hô hào chung chung”.
H.Giang