Bảo hiểm nông nghiệp: Khó nhất là “ép” nông dân sản xuất theo quy trình

10/08/2011
Sau hơn 2 tháng triển khai Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố, hôm qua (9/8), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng khẳng định, “BHNN khẳng định vai trò “bà đỡ” của Chính phủ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và phần nào giảm sự thiệt hại khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh”.

Tỷ trọng tham gia BHNN chưa tới 1%

Là quốc gia sản xuất nông nghiệp, có đến 70% dân số sống ở nông thôn, mỗi năm, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cướp đi từ 13 đến 15 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước hằng năm chỉ dành từ 200 đến 400 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đối phó dịch bệnh, còn tỷ trọng tham gia bảo hiểm của nông dân rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi.

Nghịch lý này tồn tại là do nền kinh tế còn khó khăn, công tác bảo hiểm chưa phát triển như về chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Thêm vào đó, người dân Việt Nam chưa coi trọng đóng bảo hiểm, chưa đủ lực để tham gia bảo hiểm. Thậm chí nhiều người dân chưa hiểu thế nào là bảo hiểm, họ được hưởng lợi như thế nào từ bảo hiểm. “Đây là một thách thức lớn đối với chúng ta” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Nhưng với chương trình thí điểm thực hiện BHNN, người nông dân sẽ có “chỗ dựa” để khắc phục những thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, cho biết, BHNN sẽ tiến hành theo vùng, theo cánh đồng nên dù những hộ 1 sào, nửa sào hoặc vài ha đều được tham gia bảo hiểm.

Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN, Nhà nước sẽ trợ giúp 100% phí bảo hiểm; đối với hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp được  trợ giúp 80% phí bảo hiểm, và  trợ giúp 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được  trợ giúp 20% phí bảo hiểm. Rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm là thiên tai như bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các loại rủi ro thiên tai khác....

Việc bồi thường bảo hiểm được thực hiện theo quy định hiện hành, hoặc bồi thường dựa trên chỉ số thời tiết, dịch bệnh, sản lượng có liên quan với thiệt hại. Việc thực hiện thí điểm BHNN sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013.

BHNN để tiến lên sản xuất lớn

Thực tế hiện nay, người sản xuất nông nghiệp còn làm theo kinh nghiệm, manh mún. Nên cái “khó” của việc thực hiện BHNN hiện nay chính là việc “ép” người sản xuất nông nghiệp thực hiện đúng qui trình về nuôi trồng do Bộ NN&PTNT cũng như cơ quan chức năng địa phương ban hành. Ông Nguyễn Quang Phi (PTGĐ Cty BH Bảo Việt) cho biết, “đây là điều kiện tiên quyết để làm “chuẩn” xác định bồi thường khi có sự kiện xảy ra”.

Qua BHNN cũng là biện pháp để nền sản xuất nông nghiệp của nước ta nhanh chóng chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, chứ không thể “ngồi chờ dồn điền đổi thửa” mới thực hiện BHNN được như quan điểm của ông Hồ Xuân Hùng.

Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng lưu ý người tham gia BHNN cần “tự giác”, không vì trục lợi cá nhân mà làm ảnh hưởng đến hoạt động BHNN nói chung. Đã có trường hợp, một số hộ nông dân thấy những gia súc được bảo hiểm sẽ được cắt tai hay đeo khuyên để đánh dấu, nên cũng “cắt tai” hay “đeo khuyên” cho đàn gia súc của mình dù thực tế không mua bảo hiểm cho đàn gia súc… “Nếu các công ty bảo hiểm thua lỗ, không cung cấp sản phẩm bảo hiểm thì người nông dân sẽ mất “tay vịn”, mà phải tự mình khắc phục những khó khăn khi có thiệt hại xảy ra trong sản xuất”.

Đến nay, các địa phương được chọn thí điểm vẫn đang trong quá trình xây dựng các chương trình, kế hoạch, xác định vùng thí điểm. Dự kiến phải đến tháng 9 mới hoàn thành và chính thức thực hiện thí điểm BHNN.

H.Giang

Chương trình sẽ thí điểm thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Ðồng Tháp. Bảo  hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Ðồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Ðịnh, Bình Dương và Hà Nội. Bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.