Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng: “Phải thực hiện cho được các công trình dở dang”

09/08/2011
Giảm tai nạn, ùn tắc, nâng cấp hạ tầng… những vấn đề nóng nhất của ngành giao thông đang đặt ra những thử thách lớn đối với người kế nhiệm “ghế” Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa được Quốc hội bầu tại kỳ họp thứ nhất vừa qua. Ông Đinh La Thăng đã chia sẻ với báo chí trên cương vị Bộ trưởng mới.

Cần một cơ chế đồng bộ

- Thưa ông, ông đã từng nhấn mạnh “ngành giao thông cần xây dựng những cơ chế đột phá”. Ông có thể nói rõ hơn cơ chế đột phá đó ở đây là gì?

Cơ chế đột phá theo tôi trước hết đột phá về huy động nguồn lực, phương thức đầu tư cũng như đột phá thủ tục triển khai dự án, xây dựng được cơ chế này sẽ là điều kiện đảm bảo tính khả thi.

Quan điểm của tôi là những vấn đề bức xúc thì phải ưu tiên giải quyết, nhưng phải xem nơi nào bức xúc hơn thì ưu tiên trước. Như vấn đề ùn tắc giao thông của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải tập trung giải quyết và phải có nhóm giải pháp đồng bộ. Cũng như đối với giao thông thì phải ưu tiên phát triển vận tải công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng; hạn chế phương tiện vận tải cá nhân, rồi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức trách nhiệm. Tóm lại phải có cơ chế đồng bộ.

- Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ngày càng nhiều, có nguyên nhân hạ tầng giao thông yếu kém, cá nhân ông nhận định ra sao?

Nhiều khi không phải do hạ tầng yếu kém mà tai nạn nhiều. Hãy công bằng nhìn nhận có những nơi hạ tầng rất tốt, điển hình như đường cao tốc Trung Lương - Sài Gòn là đường tốt nhất hiện nay, mà tai nạn nhiều như vậy, thậm chí cao hơn chỗ khác đó là do ý thức chấp hành pháp luật giao thông.

Về lâu dài đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông là việc cần thiết, cấp bách nhưng trước mắt vẫn là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, nâng cao trách nhiệm của những người thực thi công vụ, và đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân vì họ là chủ thể trong tham gia giao thông. Nếu họ không tự giác, không chấp hành đúng pháp luật về giao thông thì tai nạn, ùn tắc khó có thể khắc phục. Phải coi đây là cuộc cách mạng thực sự “đánh” vào nhận thức của người tham gia giao thông.

- Ông có nói đến việc hạn chế phương tiện cá nhân, trên cương vị mới ông có sáng kiến gì, bởi vấn đề này đã được đề xuất bằng nhiều giải pháp nhưng xem ra hiệu quả chưa đạt như mong muốn?

Thành phố phải tăng cường phương tiện vận tải công cộng như xe bus, rồi đường sắt trên cao, hạn chế phương tiện xe máy. Vấn đề là phương tiện vận tải công cộng phải tiện lợi, chất lượng, phục vụ tốt. Đợt tới này tôi cũng sẽ đi để biết chất lượng phục vụ của phương tiện vận tải công cộng như thế nào. Nếu vấn đề nằm ở chỗ đầu tư chưa hấp dẫn, thì phải làm sao cho hấp dẫn lên.

Khó huy động vốn cho các công trình giao thông

- Thưa ông, với chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa, cắt giảm đầu tư công, các dự án của ngành giao thông đang bị tác động như thế nào?

 Thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công đồng nghĩa với nhiều công trình, đường sá dở dang, người lao động thất nghiệp, đời sống khó khăn... Khó khăn về vốn là vấn đề chung của cả xã hội rồi, chứ không riêng gì ngành giao thông.

- Vậy, trong khi không thể trông chờ nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước thì ngành giao thông phải làm gì để tháo gỡ về vốn?

Ngành giao thông vận tải có đặc thù, ta đang muốn đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông mà cứ giảm, hoãn cắt là không phù hợp. Tôi cho rằng, những dự án cần thiết, cấp bách thì phải cho đầu tư. Và khi không thể trông chờ vào Ngân sách bởi ngân sách nhà nước như cái bánh có hạn, có nhiều khoản phải chi, không chỉ cho giao thông. Bởi thế ta phải tìm ra nhiều nguồn vốn mới, huy động nguồn vốn toàn xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chứ không nên chỉ trông chờ ngân sách.

Và quan trọng khi đã có đồng vốn rồi thì phải tính tới dùng đồng vốn đó cho hiệu quả. Đương nhiên là phải đưa các giải pháp để trong điều kiện đồng vốn có hạn thì sử dụng có hiệu quả hơn, tập trung hơn, trọng tâm hơn, để phát huy một cách tốt nhất hiệu quả.

Tôi ủng hộ dự án đường sắt cao tốc

- Với cương vị người đứng đầu ngành giao thông, ông có ủng hộ chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc?

Đường sắt cao tốc là phương tiện vận tải tiên tiến, hiện đại mà các nước đã áp dụng nhiều. Đất nước ta phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mà muốn vậy cần có các phương tiện, hạ tầng vận tải hiện đại. Khi có điều kiện, chúng ta cần đầu tư đường cao tốc và dự án đó cần ủng hộ.

Hiện nay, Thủ tướng đã phê duyệt rồi, trước hết đó là đầu tư phát triển đường bộ Bắc - Nam, rồi nâng cấp đường sắt hiện có, cải thiện giao thông nông thôn. Phát triển hài hoà các phương tiện vận tải, làm sao giữa đường sắt, đường bộ, đường sông hài hòa.

- Tuy nhiên, nằm trong cái khó chung, đường sắt cao tốc cũng được dự báo  sẽ khó khăn trong huy động vốn?

Chính phủ đã chỉ đạo 5 năm tới phải tập trung đường cao tốc. Tôi cũng cho rằng việc huy động vốn sẽ khó khăn. Nhưng chỗ này tôi phải nắm lại tình hình thì mới có thể nói được giải pháp nào tốt hay không tốt, hình thức đầu tư, khai thác ra sao.

Nhìn chung, với Nghị quyết 11 của Chính phủ bây giờ thì rất khó về nguồn vốn. Tuy nhiên chủ trương chung của Chính phủ là đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn lực và huy động của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nước ngoài… tham gia như tôi đã nói. Nhưng đấy là nguyên tắc còn thực hiện thế nào rất khó, vấn đề là chúng ta phải có cơ chế hấp dẫn nhà đầu tư cho vay vốn

- Bên cạnh đường sắt cao tốc, được biết, ngành giao thông vận tải đang có chủ trương nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có?

Đúng vậy, làm mới khó thì phải thống nhất nâng cấp hạ tầng đường  sắt, nâng cấp một dạng là nâng khổ đường ray 1m như hiện nay lên 1,4m. Những đoạn nào đã là 1,4 m thì nâng cấp lên tốt hơn.

Cố gắng hoàn thành các dự án đang dở dang

- Ông tiếp quản ngành giao thông trong bối cảnh ngành đang còn nhiều công việc dở dang, khó khăn chồng chất. Đặc biệt câu chuyện của Vinashin và Vinalines, với ông đó có phải là áp lực lớn?

Không chỉ Vinashin và Vinalines mà các doanh nghiệp vận tải nói chung, cả nhà nước, cổ phần, tư nhân đều khó khăn. Bởi lẽ, chi phí đầu vào lớn, mà cước phí vận tải giảm. Nhưng tôi nghĩ các doanh nghiệp của ngành cũng có thế mạnh là kinh nghiệm, khả năng chịu thương chịu khó rất lớn. Giờ chúng ta cần tập trung cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp này, nhất là thực hiện việc cổ phần hoá. Làm sao nâng cao vốn chủ sở hữu, vốn DN để đủ khả năng cạnh tranh, khả năng tham gia đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng giao thông. Trước mắt là cơ cấu lại, tháo gỡ khó khăn, cổ phần hóa….

Ngành giao thông cũng giống như các ngành khác, phải tái cấu trúc lại các doanh nghiệp của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực trong sản xuất để đảm bảo sức cạnh tranh thì mới trụ được. Vì vậy, ưu tiên số một vẫn là cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước của ngành giao thông để huy động các nguồn lực vào tham gia cùng đầu tư vào các doanh nghiệp.

Nhưng tôi có niềm tin rất lớn, đó là lòng tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với tôi và ngành giao thông. Hai nữa là phải có cơ chế đột phá để cho tôi làm việc đó. Thứ ba, tôi là tư lệnh lĩnh vực này, thì phải có toàn quyền về việc mình phụ trách.

- Từ Chủ tịch tập đoàn sang làm Bộ trưởng, ông thấy khó khăn và thuận lợi ra sao?

Tôi chưa làm Bộ trưởng bao giờ nên chưa biết khó khăn, thuận lợi ra sao. Tôi phải làm thì mới biết.

- Vậy, trong nhiệm kỳ mới, vấn đề mà ông ưu tiên tập trung nhất sẽ là gì?

Nhiệm vụ người đứng đầu ngành giao thông vận tải có nhiều việc phải làm nhưng quan trọng là bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thực hiện bằng được giải pháp đột phá, tập trung hai việc lớn là tập trung xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam, và giải quyết tai nạn và ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, là hoàn thành dứt điểm các dự án đang dở dang, nhất là công trình đang gây bức xúc cho dân.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (ghi)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng

Sinh ngày: 10/09/1960 

Quê quán: Nam Định

Học vị: Tiến sỹ

Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI

Đại biểu Quốc hội Khoá XI, XIII;

Ông Đinh La Thăng từng kinh qua nhiều chức vụ, trong đó, từ 11/2003-12/2005 ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên - Huế. Đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Từ 1/2006-12/2008 ông là Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Từ tháng 12/2008: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

(Trích tiểu sử Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng)