Trước khi tiến hành bầu chức danh Chủ tịch nước, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường chiều qua, QH đã nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng thay mặt UBTV QH báo cáo kết quả thảo luận về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Theo đó, 100% đại biểu QH đồng ý với tờ trình của UBTVQH. QH đã biểu quyết thông qua danh sách để tiến hành bầu cử.
Với 487 số phiếu bầu (đạt 97,40%) trên 496 đại biểu QH có mặt tại hội trường, QH đã tín nhiệm đã bầu ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay sau khi đắc cử chức Chủ tịch nước, tân Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu nhậm chức. Tân Chủ tịch nước cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu ông giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ QH khóa XIII. “Tôi nhận thức sâu sắc, đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Tôi xin hứa với QH, đồng bào, đồng chí nguyện đem hết sức mình, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch được Hiến pháp và pháp luật quy định; không ngừng học tập nâng cao trình độ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh…” - tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hứa.
Trình bày chương trình hành động của mình trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, tân Chủ tịch nước cho biết, trên cương vị công tác của mình, ông sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng với các tổ chức trong hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ lớn sau: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Phát huy dân chủ, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực; đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện thắng lợi mục tiêu tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường đồng bộ với phát triển kinh tế, đặc biệt giải quyết các vấn đề gây bức xúc xã hội trong lĩnh vực này; bảo đảm an sinh xã hội; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chăm lo củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân; kiên trì giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các nước liên quan bằng thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết các gia cấp, tầng lớp xã hội….
Tân Chủ tịch nước tin tưởng “dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.., đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Sau bài phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch nước, tiếp tục chương trình làm việc của QH, tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày 4 Tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để QH bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND TC, Viện trưởng VKSND TC nhiệm kỳ QH khóa XIII. Theo đó, giới thiệu, đề cử bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ QH khóa XII, Đại biểu QH khóa XIII để QH bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước. Giới thiệu, đề cử ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa XII, Đại biểu QH khóa XIII để QH bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Giới thiệu, đề cử ông Trương Hòa Bình Chánh án TAND TC nhiệm kỳ QH khóa XII, Đại biểu QH khóa XIII để QH bầu giữ chức vụ Chánh án TAND TC. Giới thiệu, đề cử ông Nguyễn Hòa Bình, Bí Thư tỉnh ủy Quảng Ngãi, Đại biểu QH khóa XIII để QH bầu giữ chức Viện trưởng VKSND TC.
Hôm nay (26/7), buổi sáng các Đoàn Đại biểu QH tiếp tục họp trao đổi về dự kiến nhân sự bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND TC và Viện trưởng VKSND TC. Sau đó, UBTV QH họp nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Đoàn Đại biểu QH về dự kiến các nhân sự trên. Buổi chiều, QH họp phiên toàn thể tại hội trường nghe UBTV QH báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn Đại biểu QH về dự kiến các nhân sự và bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND TC và Viện trưởng VKSND TC.
Ngọc Ước
Tiểu sử tóm tắt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Họ tên khai sinh: Trương Tấn Sang, sinh ngày 21/01/1949, quê tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật; Cao cấp lý luận chính trị; Nghề nghiệp chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng; Ngày vào Đảng: 20/12/1969, Ngày chính thức: 20/12/1970; Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng ba; Kỷ luật: Ban Chấp hành TƯ Đảng quyết định khiển trách (2003); Là đại biểu QH các khóa IX, X, XI, XIII. |