Thiếu thực tiễn, luật sẽ không khả thi

04/04/2006
Thiếu thực tiễn, luật sẽ không khả thi
Cuối tuần qua, Chính phủ đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN). Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng, đã đến lúc cần ban hành Luật CGCN.

Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự luật này?
Theo tôi, Dự thảo Luật đã cố gắng cụ thể hóa một số nội dung mà trước đây còn quy định chung chung, đồng thời, đã bổ sung nhiều quy định mới để phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động CGCN và phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, qua tìm hiểu các nội dung cụ thể, tôi cho rằng, tính khả thi chưa cao, vì Dự thảo Luật còn tồn tại ba nhược điểm chính. Thứ nhất, Dự thảo Luật chưa phản ánh thật đầy đủ, thậm chí có nội dung còn chưa sát với thực tế CGCN ở nước ta. Thứ hai, chính sách liên quan đến hoạt động CGCN chưa đủ mạnh. Thứ ba, Dự thảo Luật còn nhiều điều, khoản quy định chung chung, phải chờ các văn bản dưới luật hướng dẫn mới thực hiện được.

Có ý kiến cho rằng, mặc dù hoạt động CGCN chưa thực sự sôi động nhưng mấy năm gần đây đã khá đa dạng, tuy nhiên Dự thảo Luật vẫn chưa phản ánh được sự đa dạng này?
Đúng. Một trong những yêu cầu của luật là phải góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, phải xuất phát từ thực tiễn mà xây dựng thành các quy định của pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đó. Thế nhưng, Dự thảo Luật chưa phản ánh đầy đủ sự đa dạng của thị trường công nghệ ở nước ta, ví dụ như đối tượng CGCN, các hình thức, nội dung, giá và phương thức thanh toán... trong hoạt động CGCN. Tôi cho rằng, nếu dự luật không phản ánh được sự đa dạng trong thực tiễn thì tính khả thi của luật sẽ hạn chế.

Qua góp ý, nhiều đại biểu nhận xét, chính sách trong Dự thảo Luật chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ ở nước ta, ngược lại, có những quy định lại can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các bên tham gia hoạt động CGCN. Ông có bình luận gì về ý kiến trên?
Theo tôi, chính sách đối với hoạt động CGCN phải tạo được động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động CGCN và phát triển thị trường công nghệ; đồng thời phải thông thoáng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động CGCN; vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia CGCN, vừa có chế tài xử lý đối với những hoạt động CGCN sai trái, lừa đảo, phản khoa học, hoặc gây thiệt hại cho lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Với tinh thần đó thì các quy định trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng thật tốt các yêu cầu này.

Với thị trường công nghệ còn sơ khai như ở nước ta, ông có đồng tình với đề nghị thành lập Quỹ Hỗ trợ đổi mới công nghệ quốc gia?
Tôi cho rằng, có thể thành lập quỹ này như một quỹ độc lập hoặc một nhánh độc lập của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Ngân hàng là tổ chức kinh doanh tài chính, còn quỹ hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Vì thế, để quỹ này hoạt động có hiệu quả, trong Luật không chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của quỹ hoặc nhánh quỹ này, mà cần phải quy định cả cơ chế vận hành, nguồn vốn cho quỹ thì mới bảo đảm tính khả thi. Hiện nay, Dự thảo Pháp lệnh Công nghệ cao cũng đề cập đến Quỹ Đầu tư mạo hiểm với những chức năng tương tự. Theo tôi, nên có một giải pháp chung, thống nhất cho cả hai văn bản pháp quy này.

(Theo Đầu tư)