Đó là, giấy phép kinh doanh dưới mọi hình thức chỉ có hiệu lực khi được quy định tại Luật, pháp lệnh hoặc nghị định của Chính phủ.
Hơn thế, Dự thảo Nghị định còn quy định, các cơ quan liên quan khi đưa ra yêu cầu về một loại giấy phép kinh doanh nào đó phải nêu rõ căn cứ pháp lý, đồng thời có những đánh giá cụ thể về các tác động, chẳng hạn hiệu quả, chi phí của giấy phép đó so với các biện pháp quản lý khác có thể thay thế như thế nào...
Thậm chí, Dự thảo Nghị định cũng đưa ra yêu cầu về một cơ chế điều trần giữa các bên liên quan trong trường hợp dự thảo quy định về giấy phép kinh doanh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến một hoặc một số bên có liên quan, hoặc có tác động ngược nhau đối với các bên có liên quan...
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu những đề nghị mạnh mẽ này của Ban soạn thảo Nghị định được chấp nhận, một “cuộc chiến” về giấy phép kinh doanh sẽ chính thức bắt đầu. Sẽ “nổ ra” rất nhiều cuộc tranh luận về tính pháp lý, cũng như hiệu lực thực tiễn của các loại giấy phép đang tồn tại.
Và nhiều khả năng, loại giấy phép đang gây tranh luận nhiều nhất - Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định 11/2006/QĐ-BYT của Bộ Y tế - sẽ là một trong những giấy phép đầu tiên được bàn đến. Dư luận dường như vẫn chưa thực sự thỏa mãn với những giải thích từ phía Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), rằng việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tới tận cả những người bán hàng rong là giải pháp tốt nhất hiện nay.
Thậm chí, gay gắt hơn, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) còn cho rằng, cách quản lý theo kiểu hành chính và phi thực tế sẽ đẩy việc quản lý lĩnh vực này trở nên kém hiệu lực, kém chất lượng, bởi điều này có thể sẽ khiến những đối tượng thuộc diện phải xin cấp phép trốn tránh sự quản lý.
“Tất nhiên, vệ sinh an toàn thực phẩm rất cần được quản lý một cách chặt chẽ, song vấn đề ở đây là phương thức thực hiện. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tạo ra các điều kiện để những người kinh doanh, sản xuất thực phẩm công khai nhiều nhất, khuyến khích họ tăng quy mô sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung..., chứ không phải tạo điều kiện để người ta... trốn tránh”, ông Cung bình luận.
Thực ra, trong trao đổi với báo giới liên quan đến tính thực tiễn của cách quản lý này, ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng thừa nhận, việc quản lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh nhóm thực phẩm nguy cơ cao bằng giấy phép chỉ là tương đối và rất khó thực hiện, nhất là đối với những người buôn bán nhỏ lẻ, thậm chí là hàng rong.
Tuy vậy, ông Đáng cho rằng, có thể tiến hành xin phép và cấp phép tại các cơ quan xã, phường nơi mà những người kinh doanh đăng ký hộ khẩu (?!).
Nếu như thế, có thể hình dung một cách khái quát rằng, cơ quan được ủy quyền cấp phép cho những người buôn bán nhỏ, bán hàng thực phẩm rong... này sẽ phải cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho những hoạt động kinh doanh mà họ không thể nhìn thấy và kiểm soát được, bởi thường thì phạm vi kinh doanh của những người này không nằm tại địa chỉ đăng ký hộ khẩu, hay thậm chí là đăng ký tạm trú. Khi đó, phương thức quản lý này ngay từ khâu đầu tiên đã có nhiều khúc mắc, không hiệu quả, ngay cả khi các cơ sở được ủy quyền kiểm tra cấp phép tại cấp xã, phường có đủ năng lực và trách nhiệm thực hiện.
Cần phải nhắc lại rằng, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đã từng được bãi bỏ vào năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực. Vào thời điểm đó, lý do đề nghị bãi bỏ từ phía Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và đã được Thủ tướng chấp nhận, là hiệu quả quản lý thấp của loại giấy phép này. Các chuyên gia Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp khi đó đã đề nghị, thay vì cấp phép, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ căn cứ vào những điều kiện được công bố để thực hiện quyền quản lý nhà nước của mình.
Xem ra, sẽ có rất nhiều điều để nói, để tranh luận và cũng sẽ không chỉ xoay quanh loại giấy phép về kinh doanh thực phẩm này...
(Theo Đầu tư)