Cho ý kiến về dự án Luật công chứng, sáng 3-4, nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quan tâm đến chủ trương xã hội hoá hoạt động công chứng như trong Tờ trình của Chính phủ nêu có Phòng công chứng (của Nhà nước) và Văn phòng công chứng (của tư nhân).
Dự án Luật quy định Phòng công chứng và Văn phòng công chứng có phạm vi công chứng giống nhau (không phân biệt về phạm vi công chứng) nhằm tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu thì chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng không phải là thực hiện đồng loạt mà phải "có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa" hoạt động công chứng. Trước mắt, nếu dự án Luật công chứng được Quốc hội thông qua thì việc thành lập Phòng công chứng của Nhà nước vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh ở những nơi miền núi, vùng sâu vùng xa... chưa có điều kiện thành lập Văn phòng công chứng. Ở những thành phố, đô thị, nơi có nhu cầu lớn về công chứng thì Nhà nước khuyến khích thành lập Văn phòng công chứng theo kế hoạch và quy hoạch của từng địa phương.
Việc thành lập Văn phòng công chứng được thành lập theo điều kiện, trình tự, thủ tục chặt chẽ. Công chứng viên có đủ điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất mới được phép thành lập Văn phòng công chứng.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển cho rằng dự án Luật cần khẳng định hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp mang tính nghề nghiệp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có nhu cầu công chứng; người dân có điều kiện so sánh chất lượng dịch vụ công chứng, phong cách cung cấp dịch vụ của công chứng viên... để từ đó lựa chọn nơi công chứng phù hợp. Quy định này góp phần nâng cao dịch vụ công chứng, phù hợp chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp đã được nêu trong Nghị quyết 08/NQ-TƯ và Nghị quyết 49/NQ-TƯ của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng: Theo Tờ trình của Chính phủ xác định công chứng là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước thì không nên thành lập Văn phòng công chứng. Vì ở Việt Nam chưa bao giờ cho một tổ chức tư nhân thực hiện quyền lực Nhà nước và một chức danh công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm, nhưng lại không phải là công chức.
(Theo Tin tức)