Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật An toàn thực phẩm: Có nên thành lập Ủy ban quốc gia?

20/01/2010
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia về An toàn thực phẩm nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lại cho rằng địa vị pháp lý của Ủy ban chưa rõ ràng.

Quản lý: Đã giao Bộ Y tế, sao còn lập Ủy ban?

Mở đầu buổi thảo luận Dự án Luật ATTP, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu sau khi phân tích sự cần thiết đã đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia về ATTP. “Giống như mô hình trước đây chúng ta đã có Ủy ban quốc gia dân số kế hoạch hóa gia đình, kết quả sau 10 năm đã đạt được mục tiêu kế hoạch hóa”. Ông Triệu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ trưởng Y tế làm rõ vị trí của Ủy ban này (là cơ quan ngang Bộ hay cơ quan thuộc Chính phủ), quan hệ với các Bộ, ngành khác ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu lý giải: Ủy ban này sẽ trực thuộc Chính phủ, có bộ phận chuyên trách và kiêm nhiệm. Có ba chức năng chính: xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành và giúp Chính phủ quản lý về ATTP. Còn chức năng cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.

Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng không đồng tình: Điều 61 Dự thảo Luật đã đề xuất Bộ Y tế giúp Chính phủ quản lý ATTP, sao lại còn thành lập Ủy ban? Như vậy là mâu thuẫn nhau. Ông Vượng cũng nhấn mạnh: không thể “học” mô hình UB quốc gia dân số kế hoạch hóa gia đình trước đây vì bản thân Ủy ban này không phải cơ quan ngang Bộ, giờ phải đưa về Bộ Y tế. Nếu “sinh” ra Ủy ban ATTP thì nằm ở đâu?

Cùng chung ý kiến địa vị pháp lý của Ủy ban không rõ ràng, một số Ủy ban tồn tại nhưng hiệu quả hoạt động không cao, Ủy viên UBTVQH Trần Đình Đàn và Lê Quang Bình đều không đồng ý quy định thành lập Ủy ban ATTP trong Luật.

Ngược lại các ý kiến trên, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn lại có quan điểm khác: ATTP là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Hiện có 8 đầu mối cùng tham gia công tác quản lý dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn. “Bất cập như vậy tại sao ta không nghiên cứu phương án Bộ Y tế đưa ra, cái gì tốt nhất, lợi nhất cho dân thì ta làm. Nếu ưu việt thì không ngại tăng biên chế, “phình” bộ máy”. Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Phải tách bạch trong quản lý nhà nước

Vấn đề phân công trách nhiệm của các bộ trong quản lý nhà nước về ATTP, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau: một, đa số tán thành giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về ATTP và đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ này và các bộ quản lý chuyên ngành. Loại thứ hai đề nghị giao trách nhiệm này cho Bộ Khoa học & Công nghệ, ý kiến khác lại đề nghị giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường thì hiện nay việc quản lý nhà nước về ATTP còn quá nhiều Bộ tham gia. Vì vậy trong nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có sự chồng chéo, khi xảy ra vụ việc khó xác định trách nhiệm của các Bộ liên quan.

Theo Ủy ban KHCN-MT dự thảo Luật cần tuân thủ một số nguyên tắc: bảo đảm việc quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; hạn chế sự chồng chéo trong quản lý nhà nước; giảm bớt số bộ tham gia vào công tác quản lý và không gây xáo trộn lớn trong tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ TW đến địa phương.

Hiện nay, Dự thảo Luật đang đưa ra hai phương án. Trong đó phương án 1, quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước về ATTP với một số nhóm sản phẩm, thực phẩm mà các Bộ đã có kinh nghiệm và thực tiễn quản lý. Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ hữu quan trong quản lý nhà nước về ATTP; chủ trì công tác phòng, chống thực phẩm giả, gian dối thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các vấn đề còn có sự giao thoa về trách nhiệm thì giao Chính phủ quy định.

Nhiều thường vụ tán thành với phương án nêu trên. Tuy nhiên đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, cũng như chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về ATTP. Những vấn đề còn chồng chéo, các Bộ (nhất là 3 Bộ có trách nhiệm chính) cần phải ngồi lại với nhau để phân định rõ ràng.

Thu Hằng

Hiện nay, việc quản lý nhà nước về ATTP còn quá nhiều Bộ tham gia. Nghị định số 163/2004/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh vệ sinh ATTP thì quản lý nhà nước được giao cho 8 Bộ, Nghị định số 79/2008/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh ATTP thì giao cho 5 Bộ. Vì vậy, khi xảy ra “sự cố” khó xác định trách nhiệm của các bộ có liên quan.