Hôm qua (ngày 15/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 25, cho ý kiến về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; xem xét việc sửa đổi Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng.
Thuế suất 5% cho nhà ở xã hội
Tờ trình của Chính phủ cho biết, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội (gồm nhà cho sinh viên, cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cho người lao động có thu nhập thấp) đang trở nên cấp bách. Chính phủ đưa ra một số con số cụ thể: ký túc xá hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% số sinh viên có nhu cầu ở trong khi đó mục tiêu đến năm 2010 sẽ bố trí cho khoảng 60% tổng số sinh viên dài hạn được ở trong ký túc xá. Tính đến tháng 6/2009 cả nước đã có 228 khu công nghiệp được thành lập thu hút khoảng 1 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên cũng chỉ mới có khoảng 20% tổng số công nhân có chỗ ở ổn định. Còn lại phải đi thuê, ở nhờ.
Tương tự, 1/3 cán bộ công chức (tập trung ở các đô thị lớn) chưa có chỗ ở. Người đã lo được chỗ ở nhiều gia đình chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu.
Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Chính phủ trình phương án áp dụng thuế suất 5% cho nhà ở xã hội (thay vì 10% như quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành)
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: thẩm tra dự án này, đa số ý kiến trong Ủy ban đều nhất trí việc điều chỉnh thuế suất áp dụng cho nhà ở xã hội (từ 10% xuống 5%). Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung tiêu trí về nhà ở được hưởng thuế suất ưu đãi nhằm tránh lợi dụng pháp luật để trốn thuế.
Đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi thẳng thắn: Làng sinh viên Hacinco ở Hà Nội không phải dành cho sinh viên nghèo! Hiện nay chỉ có sinh viên có tiền mới thuê được ở đấy. Ông Thi đề nghị, phải có tiêu chuẩn về xây dựng và dịch vụ của những khu nhà được ưu đãi đó.
Mọi dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp: đều được hưởng ưu đãi về thuế.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chỉ nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức ưu đãi cao nhất (thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo).
Tại phiên họp, Chính phủ đề nghị, mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, không phụ thuộc địa bàn đầu tư đều được hưởng ưu đãi về thuế ở mức cao nhất.
Đa số các ý kiến đồng tình với đề nghị này vì cho rằng như vậy sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quy định rõ biện pháp hậu kiểm để đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh, chống các hành vi gian lận, trốn thuế.
Mặt hàng cá: Chưa nên hạ thuế nhập khẩu
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về sửa đổi biểu khung thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi với một số nhóm hàng, nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị hạ thuế suất sàn đối với mặt hàng là da cá sấu (từ 5-25 xuống còn 0-25%) nhằm áp dụng đối với xuất khẩu da cá sấu dạng thô.
Đối với mặt hàng than gáo dừa, mặc dù tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí cao với việc hạ mức sàn khung thuế suất từ 5-25% xuống 0-25% để hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần bóc tách mặt hàng than gáo dừa mới được hưởng hạ mức sàn, còn gỗ các loại và than củi vẫn áp dụng quy định cũ.
Vấn đề mà Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn nhất là đề nghị hạ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá. Ông Hiển cho biết nếu hạ thấp quá sẽ “ép” doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích các doanh nghiệp khác nhập khẩu.
Đồng tình với ông Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Văn Hiền cho rằng, hạ là cần thiết nhưng không nên lớn quá (từ 10% xuống còn 0%) vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Ông Hiền đề nghị chỉ nên hạ đến mức 5%.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình lại đề nghị, cần căn cứ vào mục đích nhập khẩu để hạ thuế nhập khẩu. Chỉ nên hạ đối với doanh nghiệp nhập làm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ.
“Hạ thuế xuất như vậy có ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách và sản xuất trong nước không?” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt câu hỏim, giải trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, một số quy định còn khuyến khích dân phát triển sản xuất trong nước.
Thu Hằng