Dân chủ trực tiếp là tạo điều kiện để người dân thể hiện ý kiến của mình. Chúng ta “mở hết cỡ” dân chủ trực tiếp thì sẽ tốt hơn... Đó là tinh tần của dự án luật Trưng cầu dân ý đang được tiến hành.
GS.TSKH Đào Trí Úc- Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân – Dự án luật lần đầu tiên được soạn thảo và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Ông Úc nói:
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta từ năm 1946, và các bản Hiến pháp sau đó đều có đề cập đến vấn đề trưng cầu ý dân.
Bản Hiến pháp đầu tiên đã có qui định tại điều 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia…”. Điều 32 qui định: “Những việc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba số nghị viên đồng ý…”.
Đến Hiến pháp năm 1959, việc trưng cầu ý dân được qui định trong Điều 53 (giao ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định). Hiến pháp năm 1980 qui định việc trưng cầu ý dân trong điều 100 (giao Hội đồng Nhà nước quyết định), còn Hiến pháp hiện hành (1992) qui định tại điều 53 và điều 84 (giao Quốc hội quyết định). (Cũng cần nói thêm là Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X cũng có đề cập đến vấn đề trưng cầu ý dân).
Tuy nhiên, những qui định nói trên, trong thực tế chưa được thực hiện do chưa có cơ chế. Cũng vì chưa thực hiện nên chúng ta đồng thời chưa có thực tiễn về trưng cầu ý dân.
Như vậy, Dự án luật này được soạn thảo là để thể chế hoá các bản Hiến pháp nói trên. Mặc dù thực tiễn trưng cầu ý dân ở nước ta chưa có, nhưng cùng với chủ trương dân chủ hoá đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua chúng ta đã tổ chức thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Đó là một thực tiễn có liên quan đến việc trưng cầu ý dân, ví như hình thức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp cơ sở mà báo Tiền Phong đã từng đề cập.
Về sự cần thiết của một Đạo luật trưng cầu ý dân, có ý kiến cho rằng trình độ nhân dân không đồng đều nên nhiều người dân không có khả năng đánh giá đúng ý nghĩa của trưng cầu ý dân, không có khả năng quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng và phức tạp…?
Bản thân các thành viên trong Ban soạn thảo Dự án luật không ai tự nhận là có kinh nghiệm với việc soạn thảo một đạo luật về trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, để làm công việc của mình, Ban soạn thảo phải dựa trên một hệ quan điểm, mà quan điểm bao trùm là thực hiện nhất quán xu hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa, với tinh thần cương quyết xây dựng được một đạo luật về trưng cầu ý dân.
Vừa qua, đã có nhiều ý kiến khẳng định rằng mỗi công dân khi quyết định, họ đều có căn cứ riêng và đứng từ góc độ riêng để phân tích, đánh giá và quyết định, nói cách khác là không ai phản ánh chính xác ý chí, nguyện vọng của nhân dân bằng chính nhân dân.
Trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp ở mức cao, vì vậy để việc thực hiện quyền lực trực tiếp của nhân dân ở nước ta tiếp tục “mở” hơn nữa, thì đã đến lúc luật hóa vấn đề này.
Tinh thần soạn thảo của Dự án luật về hiệu lực của kết quả trưng cầu dân ý là...?
Sẽ có những vấn đề mà kết quả của trưng cầu mang tính bắt buộc có hiệu lực và những vấn đề mang tính tham khảo, nhưng cá nhân tôi cho rằng nếu tham khảo thì cũng phải tham khảo ở mức cao. Dân chủ trực tiếp là tạo điều kiện để người dân thể hiện ý kiến của mình. Chúng ta “mở hết cỡ” dân chủ trực tiếp thì sẽ tốt hơn.
Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng X trên báo Tiền Phong, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã cho rằng “Ban hành định chế trưng cầu ý dân về các quyết sách lớn sẽ chứng minh Đảng ta tin dân và quyết tâm dựa vào dân để phát triển đất nước” ?
Một đạo luật về trưng cầu dân ý, cần phải quy định những vấn đề mà khi “chạm” đến nó thì Nhà nước phải đưa ra trưng cầu ý dân trước khi quyết định.
Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện rõ nguyên tắc này, ở một mức độ khiêm tốn hơn thì Hiến pháp hiện hành đã không thể hiện rõ nguyên tắc đó bằng Hiến pháp đầu tiên. Ngoài ra, có một nguyên tắc khác là không phải bất cứ vấn đề gì cũng có thể được đưa ra trưng cầu.
Ở đây, câu chuyện còn liên quan đến quy định ai là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân. Theo Hiến pháp hiện hành, quyền trưng cầu ý dân là của Quốc hội, nhưng để Quốc hội có căn cứ để đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân thì cần phải dựa trên một sáng kiến.
Vấn đề này lại cũng có nhiều mô hình khác nhau, có nước thì quy định chỉ có đại biểu Quốc hội là chủ thể của sáng kiến trưng cầu ý dân, có nước lại quy định là cử tri thu thập được số lượng chữ ký nhất định thì được trình một vấn đề để Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân.
Nhưng dù là mô hình nào, thông thường việc có tổ chức trưng cầu ý dân hay không là do Quốc hội quyết định. Trong Dự án luật, phương án người dân nếu thu thập đủ chữ ký thì có quyền nêu sáng kiến trưng cầu ý dân cũng được đưa ra để thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng đã là trưng cầu ý dân thì sáng kiến trưng cầu phải để người dân làm chủ thể.
Xin cảm ơn GS!
Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân 1. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước: a) Thông qua Hiến pháp mới, thông qua bổ sung, sửa đổi Hiến pháp hiện hành; b) Những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước; c) Những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của Quốc hội 2. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân ở địa phương: a) Việc chia tách, nhập các đơn vị hành chính; b) Những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương; c) Những vấn đề quan trọng khác theo quyết định của HĐND cấp tỉnh được ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân Không đưa ra trưng cầu ý dân có tính bắt buộc những vấn đề sau đây: 1. Hệ thống chính trị và thể chế chính trị; 2. Những vấn đề đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng CSVN; Nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng CSVN; 3. Các luật thuế, ngân sách Nhà nước, chính sách giá cả; 4.Chính sách dân tộc, tôn giáo; 5. Các vấn đề rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội nước CHXHCNVN; 6. Các vấn đề đại xá, đặc xá. (Nguồn: Dự thảo số 0 Luật Trưng cầu ý dân ) |
(Theo Tiền phong)