Dự án Luật Viễn thông: Rối tinh vì… cơ quan quản lý

12/08/2009
Hôm qua, trong ngày khai mạc phiên họp thứ 22, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào các Dự án Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Cơ yếu.

So với Dự án Luật Viễn thông đã được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, trong phiên họp lần này, các thường vụ Quốc hội tập trung chủ yếu vào nhóm các vấn đề về phạm vi điều chỉnh, phí viễn thông, vấn đề cạnh tranh, quỹ viễn thông công ích và đặc biệt là các quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.

“Quy định như vậy là thiếu minh bạch”

Đây là phản ứng của ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khi góp ý kiến vào Dự thảo. Ông Vượng dẫn chứng, quy định tại Điều 10,11 của Dự thảo (về quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về viễn thông) là ngược nhau. Cụ thể cơ quan quản lý chuyên ngành lại đi làm việc của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí có những quy định vượt quyền (ví dụ tổ chức, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động viễn thông). Ông Vượng nhấn mạnh: thẩm quyền cấp giấy phép, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép là thẩm quyền của Bộ Thông tin và truyền thông chứ không phải cơ quan thuộc Bộ. Cơ quan thuộc Bộ chỉ có quyền tham mưu, kiến nghị, đề nghị, còn quyết là Bộ trưởng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng: nếu lập luận để hội nhập mà cần có cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông thì không ổn. Theo Luật Tổ chức Chính phủ việc quy định tổ chức thuộc Bộ là thẩm quyền của Chính phủ. Dự thảo cũng chưa chỉ rõ cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông phụ thuộc ai.

Về vấn đề cạnh tranh để phát triển dịch vụ viễn thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: nếu đưa quy định vào Luật sẽ rất khó, Bởi lẽ, Luật Cạnh tranh đã xác định cơ quan quản lý nhà nước rồi. Luật này lại quy định cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện kiểm soát, như vậy thì sẽ trùng lắp. “Nếu viễn thông là ngành đặc thù cần phải có cơ quan này thì phải giải thích thêm”. Phó Chủ tịch nói.

Phí hay là thuế?

Dự thảo Luật viễn thông quy định phí kinh doanh dịch vụ viễn thông và phí hoạt động nghiệp vụ viễn thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khoản phí này giống như thuế. Các thường vụ lưu ý, quy định về phí phải xuất phát từ khái niệm phí theo Pháp lệnh phí và lệ phí. Phải làm rõ hai khoản này để có cơ sở thu.

Tuy nhiên, vấn đề này, theo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường thì hoạt động viễn thông không giống các dạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên viễn thông gồm cả kho số viễn thông, tên miền Internet, phổ tần số vô tuyến điện… tất cả đều phải đầu tư nghiên cứu mới có thể sử dụng được. Do đó phải thu phí (chứ không phải là thu thuế).

Về vấn đề quỹ viễn thông công ích, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết: Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam bắt đầu hoạt động từ 2005, 4 năm đã tạo được 2800 tỷ. Càng về sau quỹ này càng nhiều hơn. Ước tính mỗi năm tạo 1500-2000 tỷ. Đây là nguồn vốn hoàn toàn tập trung cho vùng sâu vùng xa. Phần lớn thường vụ Quốc hội đồng tình với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nên có quỹ viễn thông công ích để cung cấp dịch vụ viễn thông cho các địa bàn khó khăn.

Sẽ thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện?

Cũng về vấn đề cơ quan quản lý, khi thảo luận về Dự án Luật Tần số vô tuyến điện, các thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết phải quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái ngược vì cho rằng chức năng tham mưu cho Chính phủ đã có cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và truyền thông. Nếu thấy cần thiết Thủ tướng Chính phủ có thể ra quyết định thành lập chứ không cần phải quy định thành một điều riêng trong luật. Về vấn đề này, ông Đặng Vũ Minh, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường lập luận: do đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, việc sử dụng tần số vô tuyến điện trong nhiều trường hợp phải bảo đảm về bí mật và an toàn thông tin. Mặt khác, tần số vô tuyến điện không chỉ sử dụng trong lĩnh vực dân sự mà một phần được sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, Ủy ban Tần số vô tuyến điện được thành lập là để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quy hoạch tần số liên quan đến quốc phòng an ninh và tổ chức phối hợp trong việc sử dụng tần số giữa các lĩnh vực này.

Thu Hằng

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội: thẩm quyền cấp giấy phép, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép là thẩm quyền của Bộ (Thông tin và truyền thông) chứ không phải cơ quan thuộc Bộ. Cơ quan thuộc Bộ chỉ có quyền tham mưu, kiến nghị đề nghị, còn quyết là Bộ trưởng.