Dự kiến sáng 12/8, Chính phủ sẽ họp giao ban trực tuyến đánh giá tiến độ thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Theo Nghị quyết, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trình, ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, hiện Bộ Tư pháp đang gặp những khó khăn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ trên.
Tập trung công tác chỉ đạo
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt nội dung của Nghị quyết và triển khai một số nhiệm vụ tại Hội nghị tập huấn toàn quốc về thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Đặc biệt, Bộ đã nghiên cứu đề xuất xây dựng Đề án tăng cường công tác TGPL tại các huyện nghèo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I/2010.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo các địa phương thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như khảo sát, đánh giá tổng thể nhu cầu TGPL tại tất cả các xã thuộc các huyện nghèo và dự báo chính xác nhu cầu TGPL tại các huyện nghèo trong từng năm và cả giai đoạn; xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện chính sách TGPL tại các huyện nghèo giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 và từng năm trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; hướng dẫn thành lập tất cả các Câu lạc bộ TGPL tại các xã thuộc các huyện nghèo, kịp thời cử người hướng dẫn hoạt động, tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL; thụ lý và tổ chức thực hiện dứt điểm, kịp thời, hiệu quả và có chất lượng đối với các vụ việc TGPL do người được TGPL tại các xã thuộc 61 huyện nghèo yêu cầu; tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL cho cộng tác viên TGPL, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB TGPL và hướng dẫn sinh hoạt CLB TGPL; tổ chức các đợt TGPL lưu động đến các xã, thôn, bản của 61 huyện nghèo, bảo đảm mỗi năm, mỗi xã được hưởng ít nhất 1 đợt TGPL lưu động; tăng cường công tác thông tin, truyền thông pháp luật về TGPL đến với người dân ở tất cả các xã thuộc các huyện nghèo; tổ chức in ấn tờ gấp pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc, cung cấp các thông tin pháp lý phát cho các CLB TGPL, nhân dân cư trú tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của các huyện nghèo.
Vướng vì không rõ nét
TGPL cho người nghèo và các đối tượng chính sách được coi là một trong những chính sách của Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo. Mục tiêu của chính sách TGPL cũng được xác định rõ là “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường TGPL và khả năng tiếp cận cho người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật”. Nhưng chính sách này chưa được đề cập rõ nét trong Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn thi hành nên rất khó khăn cho Bộ Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện vì thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tăng cường giúp đỡ pháp luật cho người thuộc diện TGPL tại các huyện nghèo. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Nghị quyết như Hội nghị quán triệt Nghị quyết và các cuộc họp triển khai, Bộ Tư pháp không được mời tham gia với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết. Về phía địa phương thường chưa chủ động lập dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ tăng cường công tác TGPL tại các huyện nghèo trình UBND tỉnh để tổng hợp vào nguồn kinh phí chung của địa phương đề nghị Chính phủ phê duyệt hỗ trợ thực hiện Nghi quyết cũng như tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết, để thực hiện Nghị quyết hiệu quả hơn, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc xây dựng Đề án tăng cường công tác TGPL tại các huyện nghèo. Đồng thời dự toán kế hoạch kinh phí thực hiện Đề án đến năm 2020, hàng năm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện tại các huyện nghèo gửi Bộ LĐTB&XH tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cẩm Vân