Pháp lệnh Ngoại hối, từng bước nới lỏng việc kiểm soát các giao dịch vốn

13/03/2006
Pháp lệnh Ngoại hối, từng bước nới lỏng việc kiểm soát các giao dịch vốn
Từ ngày 1-6-2006, Pháp lệnh Ngoại hối (PLNH) sẽ có hiệu lực. Những điểm mới trong Pháp lệnh được dự báo sẽ tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng với thị trường tiền tệ, ngoại hối. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến đã cho biết ý kiến về vấn đề này.
* Xin ông cho biết có những điểm mới trong Pháp lệnh Ngoại hối được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6 tới?

- Trước hết sự ra đời của Pháp lệnh Ngoại hối sẽ làm thay đổi quan trọng trong chính sách quản lý ngoại hối. Thứ nhất, về thực hiện tự do hóa vãng lai, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện. Thứ hai, từng bước nới lỏng việc kiểm soát đối với các giao dịch vốn. Việt Nam mới chỉ thực hiện tự do hóa đối với các giao dịch vãng lai, còn các giao dịch vốn vẫn cần phải kiểm soát ở mức độ nhất định. Thứ ba, hạn chế USD hóa và nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam nhằm tiến tới thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Thứ tư, cơ chế tỷ giá được đổi mới theo hướng linh hoạt hơn đồng thời mở cửa thị trường ngoại hối, đa dạng hóa các sản phẩm, công cụ ngoại hối của thị trường.

* Cụ thể "tự do hóa vãng lai" là gì và trong các giao dịch ngoại hối, người dân được làm những gì, thưa ông?

- Theo điều VIII Điều lệ IMF, các quốc gia thành viên không được áp dụng các biện pháp nhằm cản trở các khoản thanh toán và chuyển tiền trong các giao dịch vãng lai. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, nguyên tắc tự do hóa vãng lai được hiểu là mọi tiếp cận ngoại hối đối với các giao dịch vãng lai được thực hiện một cách tự do. Các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối có trách nhiệm xác định giao dịch nào là giao dịch vãng lai hợp pháp thì được quyền cung ứng các dịch vụ để người dân được tự do thanh toán và chuyển tiền.

Các tổ chức tín dụng không có nghĩa vụ kiểm tra các chứng từ không liên quan trực tiếp đến các giao dịch vãng lai, cụ thể là không cần phải yêu cầu xuất trình các chứng từ chứng minh việc hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam, mà chỉ cần xem xét các chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lý của các giao dịch này.

Trong việc thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, các tổ chức, cá nhân được mua ngoại tệ tại các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán cho các giao dịch vãng lai trên cơ sở xuất trình chứng từ hợp lệ, được tự do lựa chọn ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán cho các giao dịch vãng lai. Kiều hối được chuyển về nước không hạn chế về số lượng, số lần gửi và loại ngoại tệ gửi, cá nhân có ngoại tệ từ kiều hối chuyển về hoặc từ các nguồn khác thì được cất trữ, mang theo người, được gửi tiết kiệm và được rút ra bằng ngoại tệ. Ngoài ra, công dân Việt Nam chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích học tập, chữa bệnh, du lịch, công tác, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, chuyển tiền thừa kế, định cư ở nước ngoài... chỉ cần đến ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối làm thủ tục mà không cần phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Pháp lệnh, mức ngoại tệ phải khai báo Hải quan đã được nâng từ 3.000 USD lên 7.000 USD hoặc đồng tiền khác có giá trị tương đương. Nếu người Việt Nam muốn mang ngoại tệ tiền mặt vượt quá mức 7.000 USD, họ chỉ cần đến một ngân hàng và yêu cầu xác nhận để làm căn cứ xuất trình cho Hải quan. Ngân hàng có trách nhiệm xác nhận việc mang ngoại tệ ra nước ngoài theo đề nghị của người có nhu cầu và có thể thu phí đối với dịch vụ này.

* Vậy phải hiểu như thế nào về quy định hạn chế sử dụng ngoại hối nêu trong PLNH (Điều 22)?

- Chúng ta đều thấy rằng ở Việt Nam hiện nay, ngoại tệ (chủ yếu là USD Mỹ) vẫn được sử dụng và lưu hành ở một mức độ nhất định, gây nên hiện tượng USD hóa. Đây là hiện tượng phổ biến ở các nước đang phát triển, các nền kinh tế chuyển đổi. Tác động của USD hóa có tính hai mặt, cả tích cực lẫn tiêu cực. Chính sách quản lý ngoại hối của NHNN trong thời gian qua vừa chấp nhận đồng thời kiềm chế USD hóa ở mức độ cho phép đã phát huy những mặt tích cực của USD hóa góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, USD hóa đã làm suy giảm chủ quyền tiền tệ, gây khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối và thực thi chính sách tiền tệ quốc tế. Kinh nghiệm các nước và cụ thể là ngay cả các nước trong khu vực như Thái-lan, Malaysia, Trung Quốc... cho thấy, đồng bản tệ là đồng tiền duy nhất được hợp pháp hóa thanh toán và lưu hành trên lãnh thổ nước họ nhằm bảo vệ chủ quyền tiền tệ quốc gia.

Chính vì vậy, PLNH cần phải xác lập một nguyên tắc để hạn chế USD hóa, tiến tới thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Nghiêm cấm triệt để các giao dịch, thanh toán niêm yết, quảng cáo hàng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Hạn chế đến chấm dứt việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ ngoại tệ tại Việt Nam. Quy định cụ thể về việc mở và sử dụng tài khoản, sử dụng ngoại tệ tiền mặt, thẻ thanh toán và các đồng tiền ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay không thể loại bỏ ngay hiện tượng USD hóa một cách duy ý trí. Vì vậy, các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân (như được cất giữ, mang theo người, gửi tiết kiệm ngoại tệ và được rút ra bằng ngoại tệ...) vẫn được thừa nhận.

* Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là phải hội nhập, PLNH đã đáp ứng được yêu cầu này?

- Việc tự do hóa vãng lai theo quy định tại Điều VIII Điều lệ IMF là cam kết mà quốc gia thành viên nào cũng phải thực hiện. Một trong những trở ngại trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO đó là Việt Nam, với tư cách là một hội viên IMF, chưa thực hiện tự do hóa vãng lai theo đúng cam kết nêu tại Điều khoản VIII, Điều lệ Quỹ. Với việc khẳng định tự do hóa vãng lai thông qua PLNH, và trước đó là Nghị định số 131/2005/NĐ-CP ngày 18-10-2005 của Chính phủ, Việt Nam đã phát tín hiệu cho không chỉ IMF mà cả thế giới thấy rằng chúng ta đã sẵn sàng để hội nhập. Ngày 5-1-2005 vừa qua, IMF đã có thông cáo báo chí chính thức công nhận Việt Nam thực hiện cam kết nêu tại Điều VIII về tự do hóa vãng lai. Điều này cũng thể hiện những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thực hiện chủ trương hội nhập.

* Dự báo của ông về thị trường tiền tệ, giao dịch ngoại hối khi PLNH có hiệu lực từ 1-6-2005?

- PLNH sẽ tạo được bước đột phá quan trọng đối với thị trường tiền tệ cũng như thị trường ngoại hối. Cụ thể thị trường được mở cửa, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được phép tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Như vậy hoạt động của thị trường sẽ sôi động và có chiều sâu hơn. Các sản phẩm công cụ ngoại hối trên thị trường sẽ phong phú, đa dạng hơn, tỷ giá sẽ được xác định linh hoạt và gắn sát với thị trường hơn.

+ Xin cảm ơn ông!

(Theo Nhà báo và Công luận)