Trình bày Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, ông Trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, mặc dù diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tập theo chiều hướng suy giảm, thương mại, đầu tư bị thu hẹp..., nhưng kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, thể hiện qua việc nhiều cử tri nhận định chương trình nghị sự của kỳ họp rất thiết thực, có nhiều nội dung là mối quan tâm, bức xúc của cử tri.
Kết quả cụ thể của kỳ họp cũng cho thấy về nội dung kỳ họp đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều hành kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện các cam kết quốc tế, từng bước đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân trong đó có kiều bào Việt Nam ở nước ngoài; về cách thức đã phát huy trí tuệ tập thể và từng đại biểu Quốc hội mà điển hình là hơn 300 câu hỏi chất vấn đã được đại biểu Quốc hội đưa ra xoay quanh các vấn đề nóng bỏng của thời sự xã hội.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 21/10 và kéo dài 29 ngày. Trong chương trình, bên cạnh việc xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật: Luật Người cao tuổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Dân quân tự vệ, Luật Cơ yếu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Thuế tài nguyên và cho ý kiến 12 dự án luật trong đó có Luật Biển Việt Nam, Luật Nuôi con nuôi, Luật Tiếp cận thông tin. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chuyển sang chương trình chuẩn bị năm 2010, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) rút hẳn khỏi chương trình năm 2009 và 2010.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ông Trần Đình Đàn đã đưa ra một đề nghị rất đáng chú ý. Đó là qua ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội và từ thực tế thảo luận đối với các dự án trình Quốc hội cho ý kiến cho thấy do chất lượng chuẩn bị dự án luật chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên việc cho ý kiến mới chỉ dừng lại ở mức Đại biểu Quốc hội tiếp cận, còn trùng lắp nhiều khi phát biểu ở tổ và thảo luận ở hội trường hiệu quả chưa cao. Vì vậy, nếu dự án nào việc chuẩn bị chưa tốt về nội dung, thời gian cập rập thì chỉ nên bố trí thảo luận tại tổ, những dự án nào đã được chuẩn bị tương đối kỹ, có thể lựa chọn một số vấn đề tập trung thảo luận tại hội trường để biểu quyết, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
Tuy nhiên, khi góp ý kiến cho nội dung Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp, bà Lê Thị Thu Ba – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và ông Trần Thế Vượng – Trưởng Ban Dân nguyện đã cho rằng đề xuất trên là không hợp lý. Thay vào đó cần phải kiên quyết đưa ra khỏi chương trình dự án luật nào chuẩn bị chưa tốt, còn nếu đã có ở trong chương trình thì phải được thảo luận tại hội trường.
Hồng Minh