Chỉ có 8,5% tổng diện tích rau cả nước đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Cả nước còn 16.512 cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chỉ có 11,2% cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm, 6,1% cơ sở dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh… Đó là những con số gây bất an cho nhiều người khi theo dõi ngày làm việc tiếp theo của Quốc hội thảo luận về VSATTP được phát thanh và truyền hình trực tiếp hôm qua 10/6.
Nguy cơ luôn đẩy về phía người tiêu dùng
“Các con số mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đưa ra liên quan đến chất lượng VSATTP như mẫu rau an toàn, số người chết vì ngộ độc…đều rất đáng báo động nhưng không trùng khớp”. Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) nêu ý kiến. “Cần thống nhất các con số này trên cơ sở đó có chương trình, kế hoạch chỉ đạo sát thực tế”, bà Anh nói.
Báo cáo giám sát thực hiện chính sách pháp luật VSATTP của UBTVQH cho thấy, năm 2008 chỉ có 0,07% số lượng thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu nêu một thực tế là hiện nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến chất lượng VSATTP đối với các mặt hàng xuất khẩu, còn hàng trong nước thì bị xem nhẹ. Thậm chí theo đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cùng là hàng nhập khẩu nhưng qua đường chính ngạch thì chú trọng khâu kiểm soát còn đường tiểu ngạch thì không.
Trong khi người tiêu dùng thì lo lắng về chất lượng VSATTP thì người sản xuất lại thờ ơ, vô trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. “Rau sạch thì họ để ăn, còn không sạch thì đem bán cho người tiêu dùng”, đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) bức xúc. “Rồi các chất vô cơ, bảo quản thực phẩm… người sản xuất cứ dùng vô tư mà không cần biết đến hậu quả”.
Bên cạnh ý thức của người sản xuất, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hiện nay bất cập lớn là có rất nhiều đầu mối tham gia quản lý Nhà nước về chất lượng VSATTP nhưng còn chồng chéo, một số nơi có tâm lý khoán trắng cho ngành y tế. Các đại biểu đề nghị cần phân công cụ thể trách nhiệm của từng Bộ, ngành đơn vị và có cơ chế phối hợp cụ thể để tránh đùn đẩy, né tránh.
Tiền ít, người mỏng, chất lượng làm sao?
Phát hiện những vi phạm trong công tác VSATTP hiện nay chủ yếu được thực hiện qua “kênh” kiểm tra, thanh tra. Theo báo cáo của UBTVQH từ năm 2004 đến 2008 đã có 1.361.198 lần kiểm tra và 56.113 đoàn thanh tra tại 478.966 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết quả cho thấy tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu tăng từ 55,7% (2004 – 2006) lên 65% (2007-2008). Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, con số nói trên vẫn không thể khiến người ta an tâm, vì thực tế vi phạm về VSATTP hiện nay quá phổ biến nhưng thực tế xử lý được lại rất ít. “Công tác kiểm tra xử lý chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn. Thanh tra chỉ làm theo từng đợt theo kiểu đến hẹn lại lên, thậm chí một năm một lần làm rầm rộ sau đó lại thôi”, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) thẳng thắn. Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thực sự lo ngại: với tình hình đáng lo ngại về chất lượng VSATTP như hiện nay mà mỗi tỉnh chỉ có 0,5 cán bộ được biên chế làm công tác thanh tra, còn ở TW Bộ Y tế mới có 9 người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 3 người như vậy là không đảm bảo. Nhất là cấp xã, nơi công việc được giao ngoài khả năng của bộ máy con người hiện có. Vì vậy việc giao nhiệm vụ về VSATTP cho cấp xã chỉ là lý thuyết.
Lực lượng mỏng, thêm vào đó là trang thiết bị nghèo nàn khiến công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP càng khó khăn “Thiết bị y tế đã thiếu, lạc hậu lại còn bị phân tán, thiếu sự liên thông, chia sẻ” đại biểu Tấn cho biết thêm. Thực tế hiện nay, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế cả nước có 72 cơ sở tham gia kiểm nghiệm VSATTP, tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận trang thiết bị cho các cơ sở này còn rất thiếu và cũ kỹ, khó cho cả công tác quản lý cũng như xử lý những tình huống cụ thể.
Đầu tư về kinh phí cho công tác quản lý chất lượng VSATTP là vấn đề có tính cốt lõi, tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, kinh phí của cả giai đoạn 2004-2008 là 329 tỷ đồng, tính bình quân đầu người cả nước chỉ đạt 780 đồng/người/năm. Ở địa phương, nguồn ngân sách TW cấp cho công tác này là rất thấp trung bình 762 triệu đồng/tỉnh/năm. Chỉ có một số ít tỉnh đầu tư từ nguồn ngân sách cho hoạt động này “Cần bố trí kinh phí cho chương trình VSATTP bằng mức chi của các nước trong khu vực từ 9.000 đến 10.000đ/người/năm” Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đăk Nông) đề nghị. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khi thảo luận về vấn đề kinh phí cho công tác VSATTP.
Ngoài chuyện kinh phí, con người, trang thiết bị, nhiều đại biểu còn đề nghị cần ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính theo hướng phạt nặng các cá nhân, tổ chức vi phạm chất lượng VSATTP, tránh tình trạng nhiều cơ sở chấp nhận nộp phạt (theo mức hiện hành là rất thấp) để sản xuất những sản phẩm không đủ chất lượng VSATTP, thu lời bất chính.
Thu Hằng
Trong 5 năm 2004 -2008 đã có 337 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan TW ban hành, 930 văn bản do địa phương ban hành tuy nhiên theo nhiều đại biểu QH với khối lượng văn bản đồ sộ như vậy nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhiều văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ…dẫn đến khó khăn trong áp dụng. Các đại biểu đề nghị cần ban hành Luật ATTP và đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực này. |
Cũng trong 5 năm, các Tòa án đã thụ lý 160 vụ vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, đã xét xử 152 vụ với 281 bị cáo. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy có rất nhiều vụ vi phạm pháp luật nhưng không thể xử lý hình sự vì các quy định của luật pháp chưa rõ ràng. |