Phải tôn trọng quyền của luật sư

21/02/2006
Phải tôn trọng quyền của luật sư
Dự thảo Luật về luật sư lần thứ 6 đã được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tuần qua. Ông Lê Xuân Thảo, Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam trao đổi ý kiến về những nội dung trên.
* Nhiều luật gia cho rằng, một số quy định cho phép luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không phù hợp với thông lệ quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của các luật sư Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Tôi tán thành quan điểm mở cửa để hội nhập trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý, nhưng phải có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư Việt Nam phát triển vững mạnh, phục vụ tốt lợi ích của nhân dân và Nhà nước Việt Nam.

Việc mở cửa trong lĩnh vực pháp lý cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế không được phân biệt đối xử giữa luật sư trong nước và luật sư nước ngoài, và phải tạo điều kiện thuận lợi để luật sư Việt Nam phát triển. Đây là ba tiêu chí mà các nước trên thế giới và khu vực đang áp dụng.

Tuy nhiên, đọc những nội dung của Dự thảo Luật, tôi có cảm tưởng là, các nhà soạn thảo Luật đã mở rộng quyền quá mức cho các luật sư nước ngoài, trong khi đó lại thắt chặt hơn đối với luật sư trong nước.

* Ông có thể nói cụ thể hơn?

- Thí dụ như tại Điều 65 của Dự thảo Luật quy định "luật sư nước ngoài được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật Việt Nam". Tuy nhiên, ngoài điều kiện trên, theo thông lệ quốc tế, để được hành nghề luật sư ở một nước thì phải được đoàn luật sư của nước đó kết nạp làm luật sư.

Mà để được là thành viên của đoàn luật sư tại Việt Nam, theo Dự thảo Luật, thì các luật sư trong nước phải tốt nghiệp đại học luật, phải tham gia khoá đào tạo luật sư, phải thực tập, phải được cấp chứng chỉ hành nghề... rồi mới được hành nghề luật.

Trong khi đó, cũng theo Dự thảo Luật thì luật sư nước ngoài chỉ cần tốt nghiệp cử nhân luật Việt Nam là đã được phép hành nghề. Đây là một sự đối xử bất bình đẳng cần phải xem xét lại.

* Có ý kiến cho rằng, không nên quy định cụ thể hoạt động tham gia tố tụng của luật sư trong Luật về luật sư, mà nên dẫn chiếu sang các văn bản pháp luật khác có liên quan. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, hoạt động tham gia tố tụng của luật sư là một trong những hình thức hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý quan trọng của luật sư, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Quy hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều nội dung liên quan chưa cụ thể. Chính vì vậy, Luật cần quy định những nội dung mà những văn bản pháp luật khác chưa quy định.

Đặc biệt, Luật cần quy định rõ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyền của luật sư trong hành nghề, không được có hành vi cản trở luật sư thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định. Thí dụ như luật sư phải được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa và tiếp xúc ngay với bị can, bị cáo khi những đối tượng này yêu cầu, chứ không phải xem xét.

* Tại sao ông lại yêu cầu bỏ quy định cho phép luật sư hành nghề với tư cách cá nhân?

- Thực tế thời gian qua đã có rất nhiều vụ tiêu cực khi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân như chạy án, tống tiền... Đối với kiểu hành nghề này, cơ quan quản lý nhà nước không thể quản lý được hoạt động của các luật sư khi họ đăng ký một nơi, nhưng lại hoạt động ở nơi khác. Nhà nước cũng không thu được thuế của các đối tượng này. Ngoài ra, quy định này còn vi phạm khoản 2, Điều 57, Bộ Luật tố tụng hình sự. Vì những lý do trên, tôi cho rằng, không nên cho phép luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

* Ông cũng không đồng tình với quy định cho phép luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng lao động?

- Đúng. Bởi quy định như vậy sẽ thủ tiêu tính độc lập trong hoạt động của luật sư. Cụ thể, hoạt động kiểu này sẽ khó giải quyết được mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, chỉ huy - phục tùng. Ngoài ra, các luật sư hoạt động theo loại hình này không va chạm nhiều, ít được rèn luyện bằng thực tế, nên hiệu quả hành nghề không cao. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có thể ký hợp đồng thuê văn phòng luật sư chuyên nghiệp để tư vấn thường xuyên hoặc bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp.

Đầu tư