Đội ngũ luật sư trong thời hội nhập: Bao giờ nguôi nỗi lo ngoại ngữ?

03/03/2009
Theo lịch trình Việt Nam phải thực hiện các nghĩa vụ thành viên của WTO và các cam kết quốc tế, yêu cầu đối với đội ngũ luật sư (LS) ngày càng cao, cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, đội ngũ của Việt Nam vẫn hạn chế nhiều về số lượng và chất lượng, nhất là khả năng sử dụng ngoại ngữ để hoạt động chuyên môn trong các tranh chấp quốc tế.

Thua thiệt vì thiếu ngoại ngữ

Càng tiến sâu vào thời kỳ hội nhập, yêu cầu về ngoại ngữ (tối thiểu là tiếng Anh) càng trở nên khẩn thiết đối với toàn xã hội, đặc biệt giới LS. Đó không chỉ là công cụ để LS tìm hiểu pháp luật quốc tế và các nước, mà còn giúp LS tham gia trực tiếp vào các hoạt động tư vấn giao dịch quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế. Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Trưởng VPLS Tư vấn độc lập) nhận thấy, cùng với xu hướng phát sinh tranh chấp quốc tế ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Không những thế sẽ đến thời điểm phát sinh những tranh chấp liên quan đến các cơ quan hành chính, Nhà nước Việt Nam mà trong các tranh chấp đó, Chính phủ Việt Nam sẽ “bất đắc dĩ” giữ vai trò một bên tranh chấp trước các tổ chức tài phán quốc tế theo các cam kết quốc tế.

Nhưng kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp trong năm 2008 cho thấy, chỉ 1,2% trong tổng số gần 5.000 LS đang hành nghề có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong hoạt động chuyên môn, tham gia thương lượng, đàm phán và tranh tụng trực tiếp bằng tiếng Anh. Đây quả là con số quá nhỏ bé so với những yêu cầu của thời đại “thế giới phẳng”. Thực tế đã có nhiều vụ tranh chấp quốc tế mà phía Việt Nam luôn phải ở thế yếu vì thiếu LS của chính Việt Nam tham gia tư vấn. Điều đó cũng có nghĩa là LS Việt Nam đang để “ngỏ” thị trường cho LS nước ngoài tiến thẳng vào chiếm lĩnh những vụ việc tranh chấp quốc tế “béo bở” liên quan đến cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam. Quan trọng hơn là hạn chế khả năng giới LS Việt Nam trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và công dân Việt Nam trước những rắc rối pháp lý quốc tế.

Cần một chương trình chuyên biệt

Trong đề án “phát triển đội ngũ LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” (do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo), một trong những tiêu chí của LS hội nhập được xác định là “có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng”. Nhưng vấn đề việc đào tạo ngoại ngữ cho cử nhân luật, đào tạo nghề luật sư còn đang rất hình thức. Chủ yếu sinh viên chỉ coi ngoại ngữ như một môn học “xương xẩu” cần phải vượt qua để đủ điều kiện tốt nghiệp, chứ chưa thực sự coi ngoại ngữ là vũ khí hữu hiệu để họ hoạt động chuyên môn sau này. Đấy là chưa kể ngoại ngữ chuyên ngành pháp lý và thương mại (quốc tế) không hề dễ dàng, cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Vì thế, khi thi hết môn, nhiều sinh viên đã không buồn ngó ngàng đến ngoại ngữ cho đến khi… đi xin việc mới bắt đầu lại từ điểm xuất phát. Hậu quả là dù đã trải qua 4 năm đào tạo cử nhân luật, 2 năm đào tạo và thực tập nghề LS nhưng đa số LS vẫn không thể sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ nào trong hoạt động nghề nghiệp.

Vì thế, đề án của Bộ Tư pháp xác định, để trở thành 1 LS hội nhập cần ít nhất 10 năm, với ít nhất 5 năm được làm việc cho các hãng luật nước ngoài hoặc các hãng luật lớn của Việt Nam (sau khi đã tốt nghiệp cử nhân luật và được trang bị kỹ năng cơ bản của LS). Trước những yêu cầu cấp thiết của thời kỳ hội nhập, cần có chính sách thu hút đội ngũ cử nhân và rút ngắn thời gian hình thành LS hội nhập với các chương trình chuyên biệt để đào tạo LS chuyên về hội nhập, song song với chương trình đào tạo nghề LS. Trong đó đảm bảo cho học viên khi tốt nghiệp phải sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ trong hoạt động hành nghề LS (thể hiện qua các chứng chỉ ngoại ngữ được quốc tế công nhận như IELTS 6,5 điểm hoặc TOEFL 600 điểm…). Bên cạnh việc các LS tự trau dồi, bỗi dưỡng kiến thức ngoại ngữ thường xuyên cho bản thân, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo nghề LS tổ chức các khóa đào tạo tiếng Anh pháp lý và thương mại cho các LS, đổi mới chương trình và cải tiến phương pháp đào tạo nghề LS… Những biện pháp này sẽ giúp giới LS có thêm một điểm tựa vững chắc là vốn ngoại ngữ cơ bản khi thực hiện hoạt động chuyên môn trong các giao dịch và tranh chấp quốc tế./.                                   

Huy Anh

Ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết WTO tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp cho đề án “phát triển đội ngũ LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”, với sự tham gia của đông đảo giới LS, đại diện các cơ quan chức năng, pháp chế doanh nghiệp... Đề án cũng đang được lấy ý kiến qua Cổng thông điện tử của Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) nhằm hoàn thiện và trình Chính phủ vào cuối tháng 3. Đề án được hy vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu và lâu dài nhằm “chắp cánh” cho đội ngũ LS Việt Nam phát triển vững chắc trong thời kỳ hội nhập.

 

Cuối tháng 2, Hội đồng tuyển chọn của đã chọn các học viên đầu tiên cho đề án “Đào tạo LS, chuyên gia pháp luật phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008 – 2010” (phê duyệt tháng 5/2008), tham gia khóa đào tạo 6 tháng tại Viện Luật Hoa kỳ. Hiện Bộ Tư pháp đang xúc tiến các hoạt động để chuẩn bị cho việc đưa tiếp các học viên khác sang đào tạo và thực hành nghề tại Anh, Đức và Australia trong khuôn khổ đề án “ngắn hạn” này, trước khi đề án án “Phát triển đội ngũ LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” được phê duyệt và thực hiện.