Dự luật cư trú: Hộ khẩu chỉ là giấy chứng nhận cư trú

15/02/2006
Dự luật cư trú: Hộ khẩu chỉ là giấy chứng nhận cư trú
Dự án Luật cư trú đã được ban soạn thảo - do Bộ Công an chủ trì - xây dựng xong và vừa đưa ra lấy ý kiến ở các bộ ngành trung ương. Bài viết sau giới thiệu những nét chính của dự luật.
Công dân Việt Nam có chỗ ở hợp pháp được đăng ký thường trú

Theo dự luật, cá nhân có quyền tự do cư trú. Cư trú ở đây được hiểu là việc thường trú hoặc tạm trú tại một địa điểm, một khu vực nhất định trên lãnh thổ Việt Nam. Việc lựa chọn nơi cư trú do cá nhân quyết định phù hợp với nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của mình.

Công dân có chỗ ở hợp pháp được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận thì được đăng ký thường trú; trường hợp chỗ ở do cơ quan, tổ chức quản lý thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Mỗi người được đăng ký thường trú ở một nơi thường xuyên sinh sống; khi chuyển đến nơi cư trú mới thì phải đăng ký lại. Trường hợp chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú thì phải đăng ký tạm trú.

Sổ hộ khẩu tiếp tục được duy trì và được định nghĩa là chứng nhận nơi cư trú của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình đã đăng ký thường trú hoặc đã tạm trú từ một năm trở lên có đăng ký. Người có sổ hộ khẩu được hưởng các quyền và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tại nơi cư trú. Người có sổ hộ khẩu được quyền đăng ký chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới.

Sổ hộ khẩu cũng được cấp cho cá nhân là những người làm nghề lưu động trên các tàu, thuyền,  phương tiện lưu động khác, nếu họ không sống theo hộ gia đình, tập thể; người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha mẹ, nếu được cha mẹ đồng ý; người đủ 18 tuổi trở lên có đủ năng lực pháp luật dân sự, sống độc lập với hộ gia đình, có chỗ ở hợp pháp đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ  một năm trở lên...

Thời hạn cấp sổ hộ khẩu là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Người nước ngoài, Việt kiều được cấp thẻ thường trú, tạm trú

Người nước ngoài, người Việt Nam định cư nước ngoài cư trú tại Việt Nam có quyền được đề nghị giải quyết thường trú, tạm trú, gia hạn tạm trú, thay đổi mục đích tạm trú, thay đổi nơi cư trú tại Việt Nam; được cấp thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng nhận tạm trú; được bảo hộ khi bị người khác xâm phạm trái phép đến quyền cư trú của mình.

Được giải quyết thường trú khi là vợ, chồng, con, cha, mẹ của công dân Việt Nam; có công đóng góp cho sự nghyệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; là người đấu tranh vì tự do và độc lập, vì chủ nghĩa xã hội, vì dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại.

Thẻ thường trú được cấp riêng cho từng người. Thẻ tạm trú cũng được cấp riêng cho từng người tạm trú từ một năm trở lên. Giấy chứng nhận tạm trú được cấp tại cửa khẩu quốc tế của Việt Nam. 

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): Hộ khẩu chỉ là loại giấy tờ mà cơ quan nhà nước cần để quản lý người dân. Như vậy, cơ quan nhà nước cần phải tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân khi đăng ký hộ khẩu, làm sao cho thật đơn giản, nhanh chóng. Từ trước đến nay có rất nhiều văn bản quy định về hộ khẩu nhưng chủ yếu vẫn mang nặng tính chất bao cấp, “xin cho”, thủ tục hành chính rườm rà, chưa đảm bảo các quyền của người dân trong việc cư trú. Dự án Luật cư trú có nhiều điểm quy định mới hơn, thoáng hơn về trình tự thủ tục cũng như thay đổi quan điểm nhìn nhận về giá trị của sổ hộ khẩu. Hy vọng, Luật cư trú ra đời sẽ chấm dứt tình trạng vi phạm quyền tự do cư trú của người dân.
Luật sư Trương Đình Tùng: Dự luật quy định điều kiện để đăng ký hộ khẩu rất đơn giản: chỉ cần có chỗ ở hợp pháp, được UBND xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi cư trú xác nhận là đủ điều kiện để đăng ký thường trú. Tuy nhyên, luật nên quy định rõ “chỗ ở hợp pháp” là như thế nào. Theo tôi, luật cần quy định rõ chỗ ở hợp pháp là nhà mua, thuê, mượn hay tự xây dựng...

Việc ban hành Luật cư trú là rất cần thiết, có vẻ quá chậm so với thực tế hiện nay.

Tuổi trẻ