Vì sao dự án luật không được đồng tình?

14/02/2006
Vì sao dự án luật không được đồng tình?
Chiều 10.2, Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa và Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu chủ trì hội nghị tại TPHCM, để góp ý dự án (DA) Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động - Chương XIV về đình công (ĐC). Cả ngành LĐTBXH và hệ thống tổ chức Công đoàn (CĐ) cùng các chuyên gia pháp luật ở 3 tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam đều không đồng tình với dự án luật.
Duy ý chí!
Ở Điều 8d - Công ước quốc tế ngày 16.12.1966 ghi rõ: "Các quốc gia tham gia công ước này cam kết bảo đảm... quyền đình công" và nước ta đã tham gia phê chuẩn ngày 24.9.1982, nên Điều 7 Bộ luật Lao động (BLLĐ) cho phép: "NLĐ có quyền ĐC theo quy định của pháp luật".

Tại hội nghị, các đại biểu phân tích: Ở các nước có nền kinh tế phát triển, những DN vi phạm luật lao động thì sản phẩm bị coi là... "không sạch", rất dễ bị tẩy chay, nên luật lao động được thực hiện rất nghiêm.

Xét bản chất, luật lao động (nói chung) chỉ quy định quyền các bên tham gia quan hệ lao động, trong đó nêu mức tối thiểu mà NLĐ được hưởng. Theo đó, công đoàn (CĐ) đấu tranh xây dựng thoả ước lao động tập thể để NLĐ được hưởng những điều kiện lao động cao hơn luật định. Đó chính là "lợi ích tập thể".

Còn ở ta, do quản lý yếu kém, để tình trạng các DN vi phạm pháp luật lao động phổ biến kéo dài xâm hại quyền của cá nhân những NLĐ trong DN. Hậu quả, nhiều NLĐ cùng bị xâm hại về quyền nên cộng hưởng bức xúc, đã nhao lên phản ứng. Đây là tranh chấp cá nhân giữa nhiều cá nhân NLĐ với cá nhân NSDLĐ xảy ra tại cùng thời điểm, ở cùng địa điểm, với cùng nội dung, chứ không phải tranh chấp lao động tập thể.

Dấu hiệu đặc trưng về mặt hình thức của tranh chấp lao động tập thể dẫn tới ĐC là phải "có tổ chức" và "có đại diện". Xét hơn 1.000 cuộc ĐC vừa qua cho thấy, chủ yếu do NSDLĐ vi phạm pháp luật dẫn đến NLĐ phản ứng tự phát đòi quyền của họ, nên CĐ cũng không thể tổ chức lãnh đạo. Và, thực tế đây là hậu quả của sự quản lý yếu kém, nhưng trong tờ trình Chính phủ, Ban soạn thảo lại đưa ra mục đích sửa Chương XIV - BLLĐ là để... "hạn chế ĐC", như vậy rõ ràng là duy ý chí!

Râu ông nọ cắm cằm bà kia
Mặc dù DA luật có nêu khái niệm tranh chấp về "quyền" và về "lợi ích", nhưng chưa phân biệt được tranh chấp về "lợi ích" mới là tranh chấp tập thể, còn tranh chấp về "quyền" thực chất là tranh chấp cá nhân (mà CĐ thì không thể tổ chức lãnh đạo NLĐ tự phát ĐC vì tranh chấp cá nhân), nên đã gán cho CĐCS trách nhiệm giải quyết các cuộc ĐC tự phát ở DN.

Theo Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban KT-CS Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính: Tiên quyết phải huỷ bỏ hội đồng hoà giải cơ sở (HĐHGCS) hiện nay, bởi 3 lẽ sau:

Thứ nhất, HĐHGCS đã không phát huy được tác dụng, còn trở thành rào cản, làm chậm tiến trình NLĐ khởi kiện.

Thứ hai, do hoà giải là thủ tục bắt buộc, nên tố tụng lao động phát sinh ngay từ bước hoà giải và nó "biến" không ít người trong HĐHGCS (không có kiến thức pháp luật) thành... "nhân viên tố tụng"!

Thứ ba, sau khi có biên bản hoà giải thành mà NSDLĐ không thực hiện thì NLĐ mất cơ hội khởi kiện, vì tố tụng dân sự quy định TA không giải quyết các tranh chấp đã được cấp thẩm quyền giải quyết, mà HĐHGCS là một cấp thẩm quyền.

Đã thế, Ban soạn thảo còn không tôn trọng nguyên tắc pháp lý, nên khoản 2, Điều 164 DA luật mới quy định "sau khi có biên bản hoà giải thành của HĐHGCS, nếu một bên không tự thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án (THA) thi hành (cưỡng chế)".

Cần phải thấy rằng, cơ quan THA là công cụ nhà nước, dùng cưỡng chế thực hiện phán quyết của TA, mà phán quyết đó chính là "sản phẩm nhà nước", còn biên bản hoà giải thành là "sản phẩm xã hội". DA luật sử dụng công cụ nhà nước để cưỡng chế thực hiện "sản phẩm xã hội" là đã "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia"!

Ông Mai Đức Chính đề nghị thành lập mô hình hội đồng hoà giải trung gian, gồm những người chuyên nghiệp ở ngành LĐTBXH và CĐ cấp trên cơ sở cùng đại diện NSDLĐ địa phương, được quyền ra các quyết định có hiệu lực pháp luật để xử lý cả NLĐ lẫn NSDLĐ nếu vi phạm pháp luật.

Theo các đại biểu: Để hạn chế NLĐ tự phát ngừng việc đòi "quyền" như hiện nay, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với DN để kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật, thì việc sửa đổi, bổ sung BLLĐ mới thực sự đi vào cuộc sống.

(Theo www.laodong.com.vn)