Hôm nay, Phiên họp thứ 17 của Ủy ban thường vụ quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch quốc hội Nghuyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội. Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ đã thảo luận Dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự; xem xét quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán TAND các cấp năm 2009 và 2010.
Chưa bỏ án phí hình sự
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Pháp lệnh nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết: vẫn có ý kiến cho rằng nên bỏ quy định về án phí hình sự trong Dự thảo Pháp lệnh. Người bị kết án đã phải chịu hình phạt thì không nên buộc họ phải chịu án phí. Mặt khác từ thực tiễn cho thấy cơ quan thi hành án dân sự gặp nhiều khó khăn trong việc thu án phí hình sự (hiện nay là 50 ngàn – PV) do đương sự không có khả năng thi hành, dẫn đến án tồn đọng, sau một thời gian các cơ quan tư pháp lại phải tiến hành thủ tục xét miễn, giảm, vừa mất thời gian vừa tốn kém.
Tuy nhiên, về vấn đề này, bà Thu Ba cho rằng, hiện nay Điều 98, 99 BLTTHS và Nghị định 70/CP của Chỉnh phủ hiện hành đã có quy định về án phí hình sự. Việc quy định án phí hình sự trong Dự thảo Pháp lệnh lần này là phù hợp với các văn bản pháp luật nêu trên. Vì vậy, theo bà Thu Ba, trước mắt khi chưa sửa được BLTTHS, Ủy ban Tư pháp đề nghị chưa bỏ quy định về án phí hình sự.
Cần làm rõ khái niệm về án phí, lệ phí.
Đây là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất khi Ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án. Hiện nay, Dự thảo Pháp lệnh không quy định khái niệm về án phí, lệ phí. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội thì đây không đơn giản là khái niệm mà là căn cứ quan trọng để từ đó giải quyết hàng loạt vấn đề khác. Đồng tình với ông Thuận, ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội nhấn mạnh: phải giải quyết cho được khái niệm này. Quy trình tố tụng hiện nay phải qua các giai đoạn từ khởi tố, truy tố mới đến xét xử, chưa kể công đoạn thi hành án. Theo quy định thì án phí chỉ bó hẹp là chi phí cho hoạt động của Tòa án, còn giai đoạn điều tra, truy tố thì sao? Các khoản án phí gồm những khoản gì phải liệt kê, khoản nào Nhà nước bỏ ra, khoản nào đương sự, bị cáo bỏ ra? Thực tế hiện nay ngân sách cho các cơ quan tố tụng chưa bảo đảm, bởi nó được phân bổ như với các cơ quan hành chính. Trong khi đó, ông Vượng lý giải để giải quyết một vụ án nhà nước phải đầu tư vào đó bao nhiêu tiền bạc, có vụ lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng. Làm rõ khái niệm không chỉ dừng lại ở việc để phân bổ ngân sách mà lớn hơn, qua hoạt động của Tòa án, người dân được nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần vào công tác phòng chống tội phạm.
Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo Pháp lệnh, ông Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án TANDTC lại bảo vệ quan điểm không cần phải đưa các khái niệm này vào Pháp lệnh bởi BLTTDS, BLTTHS đều đã có quy định, Pháp lệnh không thể vượt quá Bộ luật.
Một nội dung khác còn gây nhiều tranh cãi, đó là việc Dự thảo Pháp lệnh quy định Tòa án được trích lại một phần tiền lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án. Nội dung này có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến đồng tình thì cho rằng việc đó là phù hợp, Pháp lệnh hiện hành cũng đã có quy định, thực tế đã làm. Ý kiến phản đối thì cho rằng, ngành nào cũng để lại như thế thì ngân sách sẽ “nát”, nếu khoản nào cần chi thì đưa vào dự toán, mặt khác, pháp luật về phí lệ phí cũng quy định các khoản thu này phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Với hai vấn đề chưa thực sự “chín”, kết thúc buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thông qua vào cuối phiên họp.
Thu Hằng
Năm 2009 và 2010: Bổ sung 1500 biên chế cho TAND các cấp. Cũng trong phiên họp ngày hôm qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung biên chế và số lượng thẩm phán của TAND, Tòa án Quân sự các cấp năm 2009 và 2010. Theo đó, sẽ bổ sung 1500 biên chế cho TAND các cấp, trong đó có 508 thẩm phán TAND cấp huyện. Tổng biên chế của TAND các cấp là 13.524 người, trong đó có 5436 Thẩm phán, cụ thể: Bổ sung 119 biên chế cho TANDTC. Biên chế của TANDTC là 722 người, giữ nguyên số lượng thẩm phán là 120 người; Bổ sung 112 biên chế cho TAND tỉnh, TP trực thuộc TW. Biên chế của TAND tỉnh, TP trực thuộc TW là 3711 người, giữ nguyên số lượng thẩm phán là 1118 người; Bổ sung 1269 biên chế cho TAND huyện, quận, Thị xã, TP thuộc tỉnh, trong đó có 508 thẩm phán. Biên chế của TAND cấp huyện là 9091 người, trong đó có 4198 thẩm phán. Riêng biên chế cho Tòa án Quân sự các cấp vẫn giữ nguyên (là 315 người, trong đó có 141 thẩm phán theo quy định tại Nghị quyết số 716 ngày 18/6/2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội). |