Dự án Luật Tiếp cận thông tin: Sẽ phải có nhiều cuộc thỏa thuận

03/03/2009
Dự án Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đang được mong chờ như một “đột phá” trong mối quan hệ vốn còn nhiều hạn chế giữa Nhà nước và công dân. Tuy nhiên, khả năng “đột phá” được tới đâu còn là một câu chuyện dài. Ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về pháp luật, Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo PLVN về vấn đề này.

Nếu không thêm người thì cũng thêm việc

PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng được tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam hiện nay?

*: Số liệu cụ thể tôi chưa nắm rõ nhưng chắc chắn là rất hạn chế so với các nước trên thế giới.

PV: Phạm vi điều chỉnh mà Luật này hướng tới là gì, thưa ông?

*. Phạm vi điều chỉnh sẽ là một vấn đề phức tạp phải xử lý. Trước hết, phải loại những thông tin thuộc dạng bí mật Nhà nước, trong khi những thông tin này được quy định tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nên bây giờ phải rà soát lại, tránh mâu thuẫn. Do đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này sẽ phải thỏa thuận với các Bộ, ngành khác có liên quan. Tôi muốn nói thêm rằng, làm Luật Tiếp cận thông tin này cũng không nên cầu toàn. Những thông tin bí mật của nhà nước, những thông tin nhạy cảm thì không nói làm gì, nhưng những thông tin thông thường thì thỏa thuận được bao nhiêu, nên làm bấy nhiêu. Ví dụ trong tổng số 100 loại thông tin thì thỏa thuận cung cấp được 10 – 20 thông tin cũng là quý rồi.

PV: Liệu việc thỏa thuận này có quá phức tạp khi ranh giới giữa đâu là thông tin mật, đâu là thông tin công khai còn rất khó xác định?

*. Chắc chắn đây sẽ là một việc khó. Tuy nhiên, ngoài vấn đề này, chúng tôi cũng đang nghĩ tới nhiều vấn đề phức tạp khác như tới đây việc thực hiện các quyền của người dân và nghĩa vụ của Nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào khi phát sinh một loạt các công việc mà trước đây các cơ quan nhà nước chưa làm, bây giờ phải làm. Chẳng hạn, khi có yêu cầu về tiếp cận thông tin của một chủ thể nào đấy, thì phải có người xử lý thông tin, tiếp dân, chuẩn bị văn bản, rồi mới cung cấp thông tin cho người dân v. v… Nói tóm lại là sẽ  tạo thêm một loạt công việc kèm theo cho các cơ quan nhà nước.

Một vấn đề phức tạp nữa chúng tôi đang hình dung ra là cơ chế để giải quyết. Chẳng hạn, các khiếu nại về bất đồng ý kiến giữa người dân và cơ quan nhà nước khi người dân có đề nghị nhưng không được cung cấp hay có cung cấp nhưng chưa thỏa mãn với nhu cầu của người dân thì xử lý như thế nào? Nếu không có cơ chế giải quyết các khiếu nại hoặc những điểm mà người dân không đồng ý thì có thể đây lại là nguyên nhân khiến khiếu nại phát sinh.

PV: Ông cho rằng nên giải quyết những khiếu nại đó bằng cách nào?

*. Kinh nghiệm một số nước giao việc này cho các cơ quan tài phán thuộc hệ thống hành chính và cuối cùng là các cơ quan tư pháp, tòa án phải xử lý. Đây là quy định cần thiết vì nếu không luật nội dung sẽ trở thành vô nghĩa. Như vậy, sẽ xuất hiện thêm một loạt các công việc nữa cho các cơ quan tư pháp, cho hệ thống tòa án.

PV: Có nghĩa là lại thêm bộ máy, thêm con người, thưa ông?

*. Chắc chắn. Nếu không thêm người thì cũng phải thêm việc cho bộ máy đang vận hành.

PV: Từ trước đến nay, dường như việc thêm bộ máy, thêm con người là vấn đề rất “kỵ” với Quốc hội của Việt Nam?

*. Theo xu hướng ngày càng đảm bảo thực thi tốt các quyền của người dân thì Quốc hội cũng cần phải cân nhắc theo hướng các cơ quan nhà nước phải nhận phần phiền phức về phía mình. Tất nhiên, điều này sẽ được bàn bạc, cân nhắc rất kỹ trong quá trình soạn thảo dự Luật.

Nhiều việc trước kia không làm, giờ phải làm

PV: Khi xây dựng dự án Luật Tiếp cận thông tin với chủ trương mở rộng phạm vi tiếp cận thông tin của người dân, liệu Luật có đẩy khó khăn về phía Nhà nước, thưa ông?

*. Quyền được tiếp cận thông tin của người dân là một trong những quyền đã được khẳng định trong Hiến pháp. Các Công ước về nhân quyền mà Việt Nam tham gia cũng đã khẳng định điều này. Bây giờ cần có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quyền đó để có cơ chế thực hiện. Một khi đã là quyền thì phải thực hiện. Tôi vẫn thiên về hướng Nhà nước phải có nghĩa vụ đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân. Lâu nay ta chưa có điều kiện thực hiện thì bây giờ ta phải làm thôi.

PV: Đôi khi những thông tin mà người dân muốn biết lại là những thông tin mà các Cơ quan Nhà nước muốn dấu, chẳng hạn thông tin về sai phạm tại các cơ quan, đơn vị, kết luận thanh tra.... Không ít thông tin dạng này được đánh dấu “mật” để hạn chế công khai, theo ông làm thế nào để dung hòa, tránh mối quan hệ quá cưỡng ép giữa nhà nước và người dân?

*. Một trong những việc cần phải làm khi xây dựng dự án Luật này là rà soát lại các văn bản quy định về chế độ mật, xác định xem cái gì thực sự là mật. An ninh, quốc phòng thì chắc chắn là mật rồi, nhưng những thông tin như nêu trên mà nói là mật thì chưa chuẩn xác, chưa thỏa đáng. Cái này lại liên quan đến việc xác định phạm vi điều chỉnh dự án Luật.

Theo tôi, một trong những thông tin mà người dân rất muốn biết là tình hình chi tiêu ngân sách nhà nước, trừ những chi tiêu về an ninh, quốc phòng thì những chi tiêu công của các Cơ quan Nhà nước, số liệu về các dự án, quá trình thảo luận đi đến một quyết định cụ thể, hoặc những thông tin rất đời thường như số lượng người nhiễm bệnh trong một đợt dịch bệnh nào đó.... rất được người dân quan tâm. Ngoài ra, những thông tin đánh giá tác động về mặt môi trường, kinh tế, xã hội của một dự án, tổng mức đầu tư, đặc biệt những dự án liên quan đến tài nguyên thiên nhiên là đất, nước trong một phạm vi lớn, những quyết định về xuất nhập khẩu một mặt hàng nào đấy, bán được hay chưa bán được, tại sao lại quyết định nhập...là những thông tin hoàn toàn không nhạy cảm, không liên quan đến quốc phòng, an ninh mà người dân đều rất muốn biết.

PV: Liệu lần xây dựng Luật này có thể đưa hết những thông tin không nhaỵ cảm, liên quan thiết thực đến người dân vào phạm vi điều chỉnh để người dân tiếp cận không, thưa ông?

*.  Chắc chắn lần này chưa thể thỏa thuận hết được 100%, tinh thần là thỏa thuận được đến đâu, làm đến đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Hồng Thúy