Tra cứu thông tin cấp Phiếu lý lịch tư pháp: Sẽ có một cơ sở dữ liệu độc lập

12/02/2009
Xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng cao, do các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khi tiếp nhận người lao động đòi hỏi người đó phải có một lý lịch rõ ràng, không tiền án tiền sự.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp năm 2008 các cơ quan tư pháp địa phương đã cấp trên 150 ngàn phiếu lý lịch tư pháp cho công dân. Các địa bàn có nhu cầu xin cấp lớn nhất có thể kể đến là Vĩnh Phúc (23 ngàn phiếu), Hà Nội (trên 10 ngàn phiếu), Bắc Giang (12.500 phiếu), Nghệ An (gần 13 ngàn phiếu)…Có những địa phương, số phiếu lý lịch tư pháp cấp ra năm sau cao hơn năm trước đến 5,7 lần. Do khối lượng xin cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng lớn nên nhiều nơi trở nên quá tải, rất nhiều trường hợp chậm trễ. Một trong những nguyên nhân chậm xuất phát từ việc công dân cư trú ở nhiều địa bàn, ngoài việc tra cứu tại Công an cấp tỉnh còn phải tra cứu tại Cục hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát của Bộ Công an nên thời hạn tra cứu bị kéo dài. Hơn nữa hiện nay, việc xác minh lý lịch tư pháp hiện nay vẫn đang được thực hiện bằng đường công văn và bằng phương pháp thủ công nên rất mất thời gian. Cơ quan Tư pháp, nơi đứng ra tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tra cứu thì lại là người bị động trong tra cứu thông tin vì phải phụ thuộc vào cơ quan Công an do đó không thể trả kết quả đúng hẹn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự chậm trễ được các cơ quan tư pháp phản ánh là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xoá án tích do Toà án thực hiện. Đối với người đương nhiên được xoá án tích thì coi như chưa bị kết án. Toà án không phải cấp giấy chứng nhận cho tất cả những người đương nhiên được xoá án tích mà chỉ cấp cho những người có yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, trong trường hợp đương sự đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích thì Sở Tư pháp hướng dẫn họ đến Toà án làm thủ tục yêu cầu cấp Giấy chứng nhận và phải có giấy chứng nhận đó thì Sở Tư pháp mới làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đây là một công đoạn rất phiền hà mà nhiều địa phương đề nghị xem xét bãi bỏ.

Trong xu thế cải cách hành chính hiện nay, thời gian giải quyết các việc hành chính đang được rút ngắn một cách tối đa, thậm chí có việc cán bộ nhà nước phải giải quyết ngay cho dân thì theo Thông tư  liên tịch số 07 Bộ Tư pháp – Bộ Công an ban hành ngày 8/2/1999 quy định về cấp phiếu lý lịch tư pháp, thời hạn giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp lên đến cả tháng (3 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, tư pháp gửi sang công an, Công an tra cứu trong 10 ngày, trường hợp phức tạp thì kéo dài thêm 10 ngày nữa. Trong trường hợp kết quả tra cứu của cơ quan Công an có nghi ngờ, thì hồ sơ sẽ chuyển cho Toà án tra cứu trong 7 ngày. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi có kết quả trả cứu, tư pháp mới cấp phiếu lý lịch tư pháp cho đương sự). Trên thực tế, rất nhiều trường hợp còn chậm hơn so với quy định (lên tới 2-3 tháng). Thậm chí có địa phương, có đến 1/3 số phiếu lý lịch tư pháp được cấp không đúng thời hạn.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Luật Lý lịch tư pháp thay thế Thông tư 07 hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật sẽ quy định việc thiết lập một Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp độc lập; trong đó có việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối và chia sẻ thông tin lý lịch tư pháp. Đồng thời xem xét theo hướng cải cách thủ tục hành chính bảo đảm quyền của người đương nhiên được xoá án tích. Và đặc biệt thời gian giải quyết các công đoạn cấp phiếu lý lịch tư pháp sẽ được rút ngắn để tạo thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu.

Thu Hằng

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp và 01 bộ hồ sơ cho Công an cấp tỉnh để tra cứu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp. Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp (mặt sau của Phiếu xác minh lý lịch tư pháp). Đối với trường hợp phức tạp cần phải tra cứu hồ sơ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc Bộ Công an thì thời hạn này được kéo dài thêm không quá 10 ngày; việc liên hệ với Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát do Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp qua kết quả tra cứu hồ sơ của cơ quan Công an thấy có tình tiết nghi ngờ đương sự có án, nhưng chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc phần ghi về tình trạng tiền án của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ thì Sở Tư pháp liên hệ với toà án đã xét xử vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ án lưu, nhằm làm rõ đương sự có án hay không có án.

Việc tra cứu hồ sơ của Toà án (nếu có) phải được tiến hành ngay sau ngày nhận được thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp của Công an cấp tỉnh; thời hạn tra cứu hồ sơ án lưu tại Toà án không quá 7 ngày.

(Điểm 2, Mục II Thông tư liên tịch 07 ngày 8/2/1999 của Bộ Tư pháp – Bộ Công an quy định về cấp phiếu lý lịch tư pháp)