Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, các tổ hoà giải cơ sở tại thành phố Hải Phòng đã trở thành tổ chức tự quản của quần chúng đông đảo nhất, gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của nhân dân ở cơ sở. Các hoà giải viên đã góp phần ngăn ngừa, giải quyết kịp thời phần lớn những vi phạm pháp luật nhỏ và tranh chấp trong nội bộ nhân dân, hạn chế đơn thư khiến nại, tiết kiệm tiền của, thời gian, công sức của Nhà nước và nhân dân.
Trình độ hòa giải viên quyết định tỷ lệ hòa giải thành
Hải Phòng hiện có 15 quận, huyện, 223 phường, xã, thị trấn với 1.718 thôn và khu dân cư. Vì hòa giải là một hoạt động có tính chất truyền thống trong các cộng đồng dân cư người Việt nên trước khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, ở Hải Phòng đã có mô hình các tổ hoà giải quần chúng, tuy nhiên, hoạt động này phần nhiều còn mang tính tự phát. Đến khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành thì các tổ chức hoà giải đó được kiện toàn và nhân rộng đến tất cả các thôn, khu dân cư. Tính đến 30/6/2008, tổng số tổ hoà giải tại thành phố Hải Phòng là 1.830 tổ với 11.283 tổ viên. Một số địa phương có số lượng tổ hoà giải và hoà giải viên đông đảo như huyện Thuỷ Nguyên (355 tổ hoà giải với 2.094 tổ viên), huyện Vĩnh Bảo (268 tổ hoà giải với 2.054 tổ viên), huyện Tiên Lãng (201 tổ hoà giải với 1.338 tổ viên)…
Các Tổ hoà giải thường có từ 3 đến 7 thành viên. Ý thức được việc hoà giải viên đồng thời là những tuyên truyền viên pháp luật tích cực, góp phần không nhỏ vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nên cơ quan tư pháp các cấp ở Hải Phòng đã phối hợp với chính quyền cơ sở lựa chọn, giới thiệu để sao cho thành viên Tổ hòa giải đều là người đại diện khu dân cư hoặc các tổ chức chính trị - xã hội như Trưởng thôn hoặc Trưởng khu dân cư, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, thành viên Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… . Chính vì thế, nên không những trình độ văn hoá của hoà giải viên ngày càng được nâng cao (trước năm 1998 phần lớn hoà giải viên chỉ có trình độ văn hoá cấp I, cấp II, còn hiện nay, phần lớn hoà giải viên có trình độ trung học phổ thông, nhiều hoà giải viên là cán bộ nghỉ hưu có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học) mà tỷ lệ các vụ hòa giải thành cũng theo đó mà tăng lên (tính đến 30/6/2008 số vụ việc đã hoà giải thành là 38.838 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,3).
Củng cố, kiện toàn Tổ hoà giải sau mỗi kỳ bầu cử
Vì công tác hoà giải ở cơ sở là một kênh quan trọng, tích cực chuyển tải các quy định của pháp luật đến từng người dân nên cơ quan tư pháp các cấp ở Hải Phòng đã xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác này, hàng năm đều xây dựng chương trình, kế hoạch công tác về hoà giải ở cơ sở trình UBND cùng cấp phê duyệt và tổ chức thực hiện. Do vậy, trong Kế hoạch hàng năm về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND thành phố và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đều có nội dung chỉ đạo, hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải ở cơ sở.
Đặc biệt, Ban Tư pháp phường, xã, thị trấn thường xuyên tham mưu với UBND cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ hoà giải ở cơ sở, nhất là sau mỗi kỳ bầu cử đại biểu HĐND, UBND, các kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thường có sự thay đổi về nhân sự, nên tổ chức của các tổ hoà giải cần thiết được kiện toàn cho phù hợp.
Đúc kết những kinh nghiệm rút ra trong 10 năm thực hiện hoạt động giải ở cơ sở, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thái khẳng định, trước hết nhất thiết phải có sự quan tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền thể hiện qua việc thường xuyên kiểm tra hoạt động hoà giải để nắm tình hình kịp thời, bổ sung kiện toàn tổ chức hoà giải, có chương, mục ngân sách cho công tác hoà giải ở các cấp chính quyền địa phương...
Bên cạnh đó, cũng không thể xem nhẹ sự phối kết hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể, sự tham gia ủng hộ của cộng đồng dân cư. Về phía mình, cơ quan tư pháp các cấp ngoài việc động viên khen thưởng kịp thời, cũng phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoà giải, sao cho từng hoà giải viên khi tiến hành hoà giải phải thực sự khách quan, vô tư, có tình có lý, kết hợp truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc với các quy định của pháp luật.
Xuân Hoa
Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở, các tổ hoà giải ở thành phố Hải Phòng đã tiếp nhận 46.060 vụ việc. Những nhiều quận, huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như Hồng Bàng hoà giải thành 2.769/2.965 vụ việc (đạt tỷ lệ 93%); quận Kiến An hoà giải thành 1.711/1.940 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,2); huyện Cát Hải hoà giải thành 659/699 vụ việc (đạt tỷ lệ 94,3%); huyện Vĩnh Bảo hoà giải thành 7.657/9.465 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,9%)... Đối với số vụ việc hoà giải không thành, Tổ hoà giải đã hướng dẫn chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết là 5.545 vụ việc (chiếm tỷ lệ 12%), còn lại đang tiếp tục hoà giải. |