Phát triển các Trung tâm tư vấn pháp luật: Cần sự đầu tư thoả đáng

18/02/2009
Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thời gian qua các Trung tâm tư vấn pháp luật trên cả nước đã góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, do những khó khăn trong việc tìm kiếm cũng như thu hút nhân lực nên nhiều Trung tâm hoạt động hình thức và cầm chừng.

Thiếu tư vấn viên: phổ biến.

Hiện nay, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang là hai địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các Trung tâm tư vấn pháp luật (Hà Nội là 11, TP. Hồ Chí Minh 12). Đây cũng được coi là hai địa bàn dồi dào nhất về số lượng tư vấn viên (nhiều trung tâm có đến 5,6 tư vấn viên). Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những Trung tâm suốt một thời gian dài chỉ có 2 tư vấn viên, ví dụ Trung tâm thông tin tư vấn pháp luật Tân Việt thuộc Trung ương Hội luật gia Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, Trung tâm chỉ có 02 tư vấn viên pháp luật. Trong khi đó, theo quy định tại điểm a, Điều 4 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP thì phải có ít nhất 03 tư vấn viên pháp luật mới được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật. Mặt khác, tiêu chuẩn để được công nhận là tư vấn viên pháp luật quá cao (phải có bằng ĐH luật, có thâm niên công tác pháp luật từ 3 năm trở lên, và đã qua lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật).Chính vì những quy định quá khắt khe này nên nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương vùng sâu vùng xa không thể thành lập được Trung tâm tư vấn, hoặc có Trung tâm nhưng không đủ người theo đúng quy định.    Thống kê sơ bộ, cả nước hiện chỉ có trên 60 Trung tâm, hơn 300 tư vấn viên pháp luật và khoảng 500 cộng tác viên. Con số đó so với nhu cầu là quá ít. Trong khi chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến từng người dân thì “kênh” tuyên truyền qua các Trung tâm tư vấn lại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Điều đó thể hiện vẫn còn nhiều Trung tâm còn phải thuê mượn trụ sở, nghèo nàn về trang thiết bị làm việc, chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng..

Luật đã thông, vấn đề là thực hiện

Nghị định số 77/CP về tư vấn pháp luật ngày 16/7/2008 được ban hành đã tháo gỡ phần lớn những vướng mắc trong công tác tư vấn pháp luật. Cụ thể, nếu Nghị định 65 trước đây quy định tối thiểu phải có 3 tư vấn viên mới được thành lập Trung tâm thì nay chỉ cần có hai tư vấn viên hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc 2 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối với người thực hiện tư vấn pháp luật, Nghị định 77 đã công nhận cả những luật sư (trên thực tế đây là lực lượng hoạt động tư vấn rất hiệu quả vì họ có trình độ pháp luật và có kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn) hoạt động theo chế độ hợp đồng lao động. Các tư vấn viên pháp luật cũng không cần phải qua một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hay kỹ năng tư vấn (vì họ đã có thâm niên 3 năm công tác). Tương tự là việc hạ tiêu chuẩn và mở rộng đối tượng là cộng tác viên tư vấn.

Với những quy định khá thông thoáng, Nghị định 77/CP mở ra một hướng mới trong việc phát triển các tổ chức tư vấn cũng như người thực hiện công việc này. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện ra sao?

Theo Nghị định 77, nguồn kinh phí hoạt động của các Trung tâm theo cơ chế tự trang trải về tài chính. Hiện nay, nguồn kinh phí này vẫn chủ yếu được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức chủ quản. Một số nơi kinh phí có được nhờ tham gia trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên cả hai nguồn kinh phí này đều rất hạn hẹp, trong khi các khoản hỗ trợ khác hầu như không có. Các khoản chi của Trung tâm đều trông đợi vào việc thu phí (trong các trường hợp được pháp luật cho thu) tuy nhiên không đáng kể. Đặc biệt với các địa phương kinh tế khó khăn. Kinh phí eo hẹp, việc trả thù lao cho các cộng tác viên cũng khó khăn. Do đó, tổ chức chủ quản của các Trung tâm cần có sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tư vấn pháp luật bởi lẽ hoạt động này không chỉ hướng tới là đối tượng trong ngành mà còn phổ biến pháp luật cho người dân nói chung. Chính quyền địa phương trong khả năng của mình nên hỗ trợ cho các trung tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc.

Về thủ tục hành chính, Sở Tư pháp là nơi chịu trách nhiệm cấp phép thành lập, cấp thẻ tư vấn viên, cần có sự thông thoáng để đẩy nhanh tiến độ thành lập các trung tâm. Trong hoạt động nghiệp vụ, cần phối hợp với trung tâm để thực hiện việc tư vấn pháp luật cho bà con tại cơ sở, nhất là cho người nghèo, đối tượng chính sách ở những vùng khó khăn.

Thu Hằng

Điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật : Có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động; Có trụ sở làm việc của Trung tâm.

(Điều 5 Nghị định 77/CP)

Tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xoá án tích;

b) Có Bằng cử nhân luật;

c) Có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên.

(Khoản 1 Điều 19 Nghị định 77/CP)