Dự án Luật Tiếp cận thông tin: “Giằng co” giữa công khai và bí mật

06/02/2009
Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Dù mang tính nhạy cảm cao nhưng, dự án Luật TCTT được đánh giá là công cụ để góp phần củng cố nền dân chủ.

Loại thông tin nào được tiếp cận?

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính – Bộ Tư pháp) cho biết, áp lực từ các văn kiện quốc tế, từ yêu cầu về sự minh bạch trong hoạt động tài chính, các dự án, đặc biệt là qui định tại Điều 69 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đòi hỏi Việt Nam phải có văn bản đảm bảo quyền TCTT của người dân đối với những thông tin của cơ quan công quyền. Việc xây dựng dự án Luật TCTT không chỉ để bảo vệ quyền TCTT, chống lạm quyền mà còn đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước tốt hơn trước sự giám sát của nhân dân.

Ở các nước trên thế giới, quyền TCTT được thực hiện sẽ giúp người dân biết mình được quyền làm những gì. Song do văn hoá bí mật và nạn khủng bố nên đến nay nhiều quốc gia cũng đang khép kín quyền TCTT. Khi chưa có Luật TCTT, quyền TCTT chưa được hiểu đúng nghĩa. Cái cần công khai lại bị giữ bí mật (như quy hoạch đô thị bị giữ bí mật nên nhiều người được lợi và nhiều người bị thiệt không chính đáng), nhưng có những thông tin đang trong giai đoạn phải giữ bí mật thì lại công khai, tạo thành dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của các cơ quan công quyền (nhất là quá trình tố tụng).

Theo các thành viên Ban Soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật TCTT, dự án Luật phải xác định được loại thông tin nào được tiếp cận. Thực tế có 3 mảng thông tin cần công khai của Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân nên nếu chỉ thiên về qui định liên quan đến các thông tin của cơ quan công quyền thì chưa đầy đủ. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng được công khai vì nhiều văn bản qui phạm pháp luật lại là tối mật, nhiều bí mật thương mại của doanh nghiệp cũng tương đương với bí mật quốc gia, nhiều thông tin cá nhân không thể công khai theo qui định của pháp luật về bí mật đời tư. Vì thế, đứa ra một định nghĩa rõ ràng về những thông tin cần công khai là một vấn đề lớn trong quá trình xây dựng dự án Luật TCTT.

Cơ chế nào để bảo đảm?

Theo khảo sát, ở Anh, 75% khiếu nại liên quan đến quyền TCTT là do bị trì hoãn cung cấp thông tin theo yêu cầu. Do đó, ngay từ đầu, các thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập dự án Luật TCTT đã rất quan tâm đến việc xây dựng được cơ chế đảm bảo để người dân thực hiện quyền TCTT. Ông Nguyễn Thành Long (Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật – Bộ Tư pháp) khẳng định, quyền TCTT của công dân là vấn đề cơ bản cần quan tâm trong dự án Luật nhưng vướng mắc ở các nước hiện nay chính là việc dân thực hiện quyền đó như thế nào.

Để có một cơ chế bảo đảm thực hiện quyền TCTT, song song với việc qui định quyền cho người dân, dự án Luật cũng cần có qui định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu chính đáng, hợp pháp. Điều này liên quan đến thủ tục thực hiện và cả vấn đề “giải mật” thông tin, rà soát các qui định pháp luật hiện hành để xây dựng được một cơ chế thống nhất cho việc thực hiện quyền TCTT. Vì thế, Trưởng Ban soạn thảo – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, bên cạnh các qui định cụ thể hoá quyền TCTT cần qui định các chế tài tương xứng đối với những hành vi ngăn cản, trì hoãn việc thực hiện quyền này của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Huy Anh

Xung quanh việc xây dựng dự án Luật này, PGS.TS.Nguyễn Đăng Dung (Giám đốc Trung tâm Nhân quyền - Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

Quyền TCTT là rất quan trọng đối với mỗi con người nên việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có ý nghĩa rất quan trọng đối Việt Nam. Trước đây, quyền TCTT không bao giờ được nói đến, chưa được coi trọng do yêu cầu của thời cuộc nên đã gây nhiều thiệt hại cho dân và nhà nước. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, mở cửa, điều này không thể tồn tại. Nhất là khi đã gia nhập WTO, đảm bảo quyền TCTT là một trong những đòi hỏi đối với quốc gia thành viên. Cho dù khó khăn, chúng ta cũng phải xây dựng được Luật TCTCC. Đây có thể là dự án Luật lớn nhất trong năm 2009 vì nếu Luật này không được làm thì là một bước lùi của nền dân chủ.

PV: Dù Hiến pháp đã qui định nhưng thực tế quyền TCTT chưa được thực hiện. Vậy, cơ chế nào có thể đảm bảo quyền TCTT ở Việt Nam?

PGS.TS.Nguyễn Đăng Dung: Cơ chế bảo đảm thực hiện quyền là quan trọng nhất. Nói đến cơ chế là nói đến quyền nhưng cơ chế quan trọng hơn ở chỗ cơ chế có quan hệ trực tiếp và có ý nghĩa quyết định để thực hiện quyền. Nên dự án Luật TCTT phải có nội dung căn bản là cơ chế đảm bảo thực hiện quyền TCTT. Bên cạnh đó, cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của người dân là nói đến nghĩa vụ của Nhà nước, của CBCC trong việc cung cấp thông tin cho người dân, ở phạm vi, mức độ nào, chế tài tương ứng đối với hành vi cản trở việc thực hiện quyền TCTT của người dân… Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, của dân nên đã có nhiều qui định đề cập đến quyền TCTT của người dân như công khai tài chính, qui hoạch… nhưng cơ chế bảo đảm thì chưa có. Muốn vậy phải tuyên truyền để người dân biết quyền TCTT, CBCC biết trách nhiệm cung cấp thông tin. Lúc đó, vai trò của báo chí rất lớn trong việc đảm bảo thực hiện Luật này (khi có hiệu lực). Cũng phải nói thêm rằng, hoạt động báo chí được hưởng nhiều lợi ích nhất từ ý tưởng xây dựng và việc có Luật TCTT.

PV: Có nên thành lập một cơ quan giám sát độc lập việc thực hiện quyền TCTT hay không?

PGS.TS.Nguyễn Đăng Dung: Giám sát là một chu trình của quản lý. Có nhiều biện pháp để giám sát, trong đó thành lập cơ quan giám sát là một biện pháp có thể là tốt, nhưng liên quan đến vấn đề tổ chức. Vì vậy, cần phải có sự cân nhắc. Song theo tôi, sự giám sát cao nhất, cuối cùng là sự xét xử của Toà án.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!